Sửa nhưng vẫn có cách né
Việc bổ sung điều kiện phát hành TPDN được quy định trong Điều 10 của Nghị định 163/2018, buộc DN phát hành phải đảm bảo dư nợ từ phát hành TPDN không quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Quy định này giới hạn quy mô phát hành TPDN, nhưng không gây khó cho DN trong việc phát hành TPDN.
Bởi lẽ với những thông thoáng trong việc đăng ký vốn chủ sở hữu hiện nay, nhiều DN có quy mô vốn lớn và rất lớn, trong khi thực góp là vấn đề hoàn toàn khác. Và để đối phó với vấn đề này, DN trước khi thực hiện phát hành TPDN phải đăng ký lại quy mô vốn chủ sở hữu để cơ quan có thẩm quyền cấp phép phát hành.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) nhà đầu tư (NĐT) cũng dễ nhận biết DN có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn nhưng thực góp không đáng là bao, hoặc việc góp vốn vào DN sẽ được rút ra sau khi đã chứng minh đủ số vốn góp.
Thực tế, hiện nay DN niêm yết có giá cổ phiếu thấp hơn nhiều giá trị sổ sách hay thậm chí mệnh giá cổ phiếu, nhiều vô kể. Nguyên nhân từ đâu? Bỏ qua chuyện thua lỗ nhiều năm, vấn đề tài sản thiếu minh bạch của công ty là mấu chốt để giải thích cho giá cổ phiếu “bèo” này.
Với những công ty niêm yết, vốn góp chủ sở hữu đã được rút ra khỏi công ty, chỉ còn là bút toán danh nghĩa, nên việc kê khai vốn này để được phát hành TPDN quy mô lớn hoàn toàn không khó và chỉ là hình thức.
Gần đây, một công ty được thành lập mới với vốn chủ sở hữu lên đến 6 tỷ USD nhưng vốn thực góp thế nào? Bởi việc đăng ký vốn là một chuyện, thực góp lại là chuyện khác.
Do vậy, với việc bổ sung điều kiện phát hành của Nghị định 81/2020, DN muốn phát hành cần phải ý tứ hơn trong vốn góp. Việc không quy định điều kiện này trong Nghị định 163/2018 đã đưa đến những công ty vốn rất nhỏ nhưng đã phát hành số lượng vốn cực lớn.
Một trong số đó là Công ty Hồng Hoàng với mức vốn chỉ 5 tỷ đồng nhưng phát hành TPDN trị giá lên đến 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy định này sẽ giúp xử lý các tình trạng phát sinh khi DN không thực hiện được nghĩa vụ nợ đối với các trái chủ.
Ràng buộc đầu vào, mở đầu ra
Ràng buộc đầu vào, mở đầu ra
Thay vì DN tìm kiếm NĐT sau khi hồ sơ phát hành được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, quy định mới buộc DN phải tìm kiếm NĐT tiềm năng, ký hợp đồng mua TP với NĐT kèm cam kết đã tiếp cận thông tin phát hành, hiểu rõ rủi ro khi mua TP. |
Theo đó, DN muốn phát hành TPDN phải ký hợp đồng dịch vụ với các tổ chức tư vấn, cụ thể là công ty chứng khoán (CTCK). Qua đó, CTCK sẽ thực hiện các công việc theo hồ sơ xin phát hành TPDN. Quy định này chỉ làm rõ nội dung được đề cập ở Khoản 3 Điều 15 về phương thức phát hành TP của Nghị định 163/2018, tức chỉ làm rõ thêm nội dung cần cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền về hợp đồng dịch vụ phát hành TPDN.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 13 của Nghị định 163 cũng yêu cầu DN phát hành phải nộp hợp đồng dịch vụ này.
Nhưng một quy định khác được đề cập trong hồ sơ phát hành TP của DN được Nghị định 81 bổ sung là “Hợp đồng mua TP trong đó bao gồm cam kết của NĐT về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua TP”.
Nghĩa là DN phải ký hợp đồng với bên mua tiềm năng TP được phát hành. Nếu thực hiện quy định này, DN phải tìm kiếm NĐT mua TPDN do mình phát hành, trước khi hoàn tất hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc cấp phép chỉ được xem là khâu thủ tục của quy trình phát hành, không phải là quy trình thẩm định hồ sơ được phát hành.
Như vậy, nếu DN phát hành TPDN chưa tìm ra người mua TP phải trông cậy vào dịch vụ từ CTCK, hoặc tìm kiếm tổ chức nào đó để ký hợp đồng mua TP, nhằm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ phát hành để cơ quan có thẩm quyền cấp phép, sau đó 90 ngày tìm kiếm NĐT khác để mua TP.
Do vậy, hợp đồng mua TP trong hồ sơ chỉ là bước thủ tục để được cấp phép. DN phát hành có thể phải tìm kiếm người mua thực sự sau khi được phép phát hành. Vì vậy, cách tốt nhất sau khi ký hợp đồng dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành với CTCK, DN phát hành ký tiếp hợp đồng mua TP kèm theo điều kiện “có thể hủy ngang”.
Cụ thể hóa mục đích phát hành TP
Cụ thể hóa mục đích phát hành TP
Nghị định 163/2018 chỉ đề cập đến DN phát hành phải xây dựng phương án phát hành, với mục đích sử dụng vốn được hiểu “tùy ý” Mục b Khoản 1 Điều 14 quy định. Còn Nghị định 81/2020 được cụ thể hóa các mục đích sử dụng vốn của việc phát hành TPDN với 3 nội dung: đầu tư dự án, đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ (tên khoản nợ, giá trị, kỳ hạn nợ).
Với việc sửa đổi Mục b, Khoản 1 Điều 14 sẽ giới hạn việc phát hành TPDN đang được bùng nổ từ Nghị định 163/2018. Theo đó, các DN phát hành phải nêu rõ mục đích của việc phát hành TPDN, nhằm huy động vốn để sử dụng cho 1 trong số 3 nội dung trên, không có các trường hợp dùng vốn huy động để mua cổ phiếu của công ty hay NĐT khác.
Trong thời gian qua, ĐTTC đã có nhiều bài viết về việc phát hành TPDN để mua lại cổ phiếu từ NĐT xảy ra tại Công ty Hồng Hoàng. Hoặc bài phản ánh công ty phát hành TPDN mua cổ phần của công ty khác đang sở hữu dự án bất động sản, hay mua cổ phần của một công ty sản xuất kinh doanh khác nhằm mục tiêu thâu tóm.
Trước khi Nghị định 81 có hiệu lực, nhiều hồ sơ xin cấp phép phát hành TPDN đang chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các hồ sơ này sẽ có những mục đích sử dụng vốn phát hành TPDN chỉ để thâu tóm cổ phần của các dự án, các công ty khác.
Mục đích phát hành này sẽ khép lại trước ngày 1-9-2020. Tuy nhiên, nhiều DN và ngân hàng thương mại nên đón nhận giải pháp tái cấu trúc các khoản nợ bằng công cụ TPDN để tránh nợ xấu Nghị định 81 cho phép.