Thị trường lớn nhất
Phân tích cơ cấu thị trường xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tiềm năng và cũng là thị trường chủ lực mà các DN xuất khẩu Việt Nam đang hướng tới.
4 tháng đầu năm 2021, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tại những thị trường chủ lực như Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%, thị trường EU sau khi kéo dài đà giảm trong năm 2020 thì đầu năm nay đã bật tăng, đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%. Ngoài ra, tại các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có mức tăng trưởng khá, lần lượt tăng 13,3%, 12,1% và 1,5%. Thế nhưng, với thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ; trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của DN Việt Nam.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng khẳng định, trong năm 2020, bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu gỗ vẫn đạt hơn 12 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã chiếm hơn 7 tỷ USD. Riêng 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 4,99 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ.
Theo bà Julie Hundersmarck, Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ, trong số mặt hàng gỗ nhập khẩu từ các nước thì sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đang được người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng nhất. Tập trung vào những sản phẩm như sofa, giường ngủ, dòng nội thất cho phòng trẻ em, giải trí, phòng ăn, nhà bếp. Nếu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tủ bếp vào thị trường Hoa Kỳ chỉ đạt 140 triệu USD thì đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đã lên đến 1 tỷ USD.
Cũng theo bà Julie Hundersmarck, tuy kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh, nhưng so với nhu cầu của thị trường này vẫn còn rất nhỏ. Năm 2020, doanh thu của nhóm sản phẩm nội thất tại Hoa Kỳ đạt 115 tỷ USD. Con số này sẽ tăng lên 143 tỷ USD trong khoảng 5 năm tới.
Về vấn đề trên, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây có chuyển biến rõ nét. Ngoài những nhóm hàng thế mạnh truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản thì các nhóm hàng chế tạo như điện tử, linh kiện, đồ gỗ cũng đã vươn lên vị trí hàng đầu. Hiện đã có hơn 10 nhóm hàng xuất khẩu vào thị trường này vượt mốc kim ngạch 1 tỷ USD.
Đối mặt nhiều rủi ro
Tuy nhiên, cùng với những ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, DN trong nước cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về phòng vệ thương mại (PVTM) và rào cản an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm.
Rào cản kỹ thuật đáng kể nhất là quy định về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Tùy theo mỗi nhóm ngành hàng mà nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất sẽ khác nhau. Đơn cử, với sản phẩm gỗ, phải có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng. Hay với ngành dệt may, phải đảm bảo quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” thì mới được công nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan. Còn với nhóm hàng là nông, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… thì phải tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm do Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định.
Hiện tỷ lệ kiểm tra hàng được các cơ quan chức năng Hoa Kỳ áp dụng là 1%-2%/tổng đơn hàng. Tuy nhiên, nếu bị phát hiện vi phạm, không chỉ tổng đơn hàng của DN bị trả lại mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn ngành sản xuất. Không chỉ vậy, các tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật của thị trường Hoa Kỳ còn thường xuyên thay đổi, đòi hỏi DN phải không ngừng thay đổi để thích ứng. Do vậy, nếu DN không có công nghệ sản xuất hiện đại, nội lực vốn đủ mạnh thì rất khó giữ được thị trường này dài hơi.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc gia tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa chính phủ nước này sẽ gia tăng biện pháp PVTM. Hiện phần lớn DN sản xuất, chế biến gỗ tại Việt Nam không phải là DN thuần Việt mà là doanh nghiệp FDI. Nhiều DN trong số này đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ đã bị Hoa Kỳ áp thuế PVTM. Do vậy, nguy cơ DN nội bị “vạ lây” áp thuế PVTM là rất cao.
Trên thực tế, việc này đã từng xảy ra với nhóm ngành thép. Theo đó, khi các nước như Canada, Australia, Hoa Kỳ… (nhập khẩu thép từ Việt Nam) phát hiện nhiều DN Hàn Quốc (trước đó đã bị đánh thuế tại Hàn Quốc) chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam để tránh bị áp thuế, ngay lập tức, chính phủ các nước này đã áp thuế chống bán phá giá lên mức hơn 400% với toàn ngành thép Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa, ngành thép Việt Nam chính thức bị đóng cửa ở những thị trường tiềm năng này.
Đã vậy, việc bảo hộ thương hiệu DN vào thị trường Hoa Kỳ chưa được DN Việt Nam quan tâm đúng mức. Theo Cơ quan sáng chế và bảo hộ thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO), hiện Việt Nam mới chỉ có 1.938/gần 7.000 thương hiệu đang xuất khẩu tại thị trường này có đăng ký bảo hộ thương hiệu với USPTO. Trong đó, chỉ 1.090 thương hiệu hiện đang tồn tại. Hệ quả là nhiều vụ việc tranh chấp thương hiệu Việt đã xảy ra và đối tượng chịu thiệt là DN Việt.