Những lý do khiến đồng EUR lao dốc
Đồng EUR bị mất giá so với đồng USD từ giữa năm 2021 khi kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2022 và 2023, sức hút của Eurozone giảm đi so với các nền kinh tế cạnh tranh khác, đặc biệt là Mỹ. Và khi cuộc chiến ở Ukraine xảy ra bắt đầu bồi thêm cho đồng EUR lao dốc. Có 3 lý do chính khiến đồng EUR lao dốc trong thời gian gần đây.
Thứ nhất, căng thẳng với Nga khiến giá năng lượng tăng đột biến ở châu Âu, các nền kinh tế lớn trong khu vực như Đức, Pháp, Italia đều bị ảnh hưởng nặng nề. Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung này là 8,9% trong tháng 7 vừa qua.
Cùng với lạm phát cao là kinh tế phục hồi chậm lại vì đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn, vì trong nhiều lĩnh vực châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp ở Trung Quốc. Chẳng hạn chỉ vì thiếu một thiết bị nhỏ nhập khẩu từ Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất của một hãng ô tô lớn của Pháp phải cắt giảm 50% công suất.
Thứ hai, việc lạm phát cao ở Mỹ đã khiến cho Fed phải mạnh tay tăng lãi suất. Lãi suất ở Mỹ tăng cao khiến cho nhu cầu đồng USD tăng, từ đó khiến cho đồng bạc xanh này tăng giá so với các đồng tiền còn lại, trong đó có đồng EUR. Với những gì Fed đã công bố thì khả năng lãi suất còn tiếp tục tăng qua đến năm 2023, và đây là một áp lực thường trực đối với đồng EUR.
Như chúng ta thấy trong biểu đồ tỷ giá EUR/USD, đồng EUR từ mức cao nhất tháng 6-2021 đến nay đã mất giá khoảng 23%, và độ dốc cao nhất là từ cuối tháng 2-2022 tức là khi chiến sự bùng nổ.
Biểu đồ tỷ giá EUR/USD
Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro hơn, thì lựa chọn một bến đỗ an toàn như Mỹ là ưu tiên của các dòng tiền lớn. Và để chuyển đổi sang các tài sản ở Mỹ thì phần lớn phải chuyển sang đồng USD, kết quả là nhu cầu về đồng USD lại tăng, giá USD lại tăng so với các đồng tiền khác.Vui ít buồn nhiều
Khi một đồng tiền bị mất giá so với USD có cả hai mặt lợi và hại. Với các nhà xuất khẩu sẽ bán được nhiều hàng hơn, doanh thu thu tăng. Trong khi đó các nhà nhập khẩu phải chịu chi phí cao hơn. Như Pháp là một thí dụ khi các nhà xuất khẩu rượu, đồ thời trang cao cấp được hưởng lợi từ việc đồng EUR có giá trị thấp hơn đồng USD.
Trước đây, EU luôn có thặng dư thương mại khi giá trị xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu. Tuy nhiên kể từ quý III-2021, giá nguyên liệu và năng lượng tăng đã khiến EU bị thâm hụt, và mức thâm hụt ngày càng tăng.
Chỉ tính trong tháng 6, thâm hụt 24,6 tỷ EUR (chưa điều chỉnh yếu tố mùa vụ), trong khi cùng kỳ năm trước thặng dư 17,2 tỷ EUR. Một đối tác thương mại lớn của EU là Trung Quốc chính là nguyên nhân chính khiến thâm hụt tăng khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh sau khi châu Âu mở cửa trở lại, nhưng xuất khẩu từ châu Âu qua Trung Quốc lại bị giảm.
Tình hình kinh tế của EU và Eurozone nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của chiến sự ở Ukraine. Dự báo kinh tế mùa hè của EU vừa công bố vào tháng 7-2022 cho thấy Eurozone sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022 với mức lạm phát 7,6%. Qua năm 2023, tăng trưởng chỉ còn 1,4% và lạm phát là 4%.
Mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế đã cho thấy phần nào có hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng còn rất nhiều bất định trong việc lạm phát có giảm như kỳ vọng hay không. Một số ẩn số khác có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế EU là rủi ro nợ công của Italia, và các chính sách của Trung Quốc trong việc chống Covid-19 cũng như hỗ trợ nền kinh tế.
Sau khi chính thức lưu hành vào ngày 1-1-1999, đồng EUR đã có một thời gian được định giá cao hơn đồng USD, cho đến tháng 2-2020 thì bắt đầu giảm và mức thấp nhất vào tháng 10-2020 khi 1 đồng EUR chỉ đổi được 82,3 cents. Lịch sử có thể lặp lại nếu như triển vọng kinh tế của châu Âu ảm đạm hơn và thâm hụt thương mại vẫn tiếp tục.
Thách thức trong thời gian tới là rất lớn với các nước trong khu vực Eurozone, cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu trong việc kiểm soát lạm phát và tránh một cuộc suy thoái kinh tế. Người dân sử dụng đồng EUR là những người chịu thiệt trước tiên khi sức mua và tài sản bị giảm khi định giá theo đồng USD. Và hơn ai hết, họ mong rằng nỗi buồn này sẽ sớm trôi qua.
Theo Bloomberg, trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia hoan nghênh các đồng tiền yếu hơn như một phương tiện để kích thích tăng trưởng kinh tế, vì giúp cho xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn. Nhưng hiện tại, khi lạm phát trong khu vực đồng EUR đang ở mức cao nhất, thì việc đồng EUR mất giá là điều không mong muốn. Đồng EUR được coi là một trong những đồng tiền quan trọng của thế giới để giao dịch và dự trữ. Ở cấp độ rộng hơn, sự suy yếu của đồng EUR so với đồng USD giúp ích cho các nhà xuất khẩu châu Âu, vì giúp cho sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn và tăng doanh thu. Mỹ chiếm hơn 40% doanh số cho 70 công ty lớn của châu Âu, bao gồm cả Sanofi và Aegon NV. Việc đồng EUR giảm cũng giúp du khách Mỹ đến châu Âu giảm bớt chi phí cho chuyến đi và hỗ trợ Mỹ chống lạm phát nhập khẩu. |