2023: Tiền hung, hậu kiết
Đầu năm 2023, trong một bài viết cho báo ĐTTC, tôi dự đoán 2023 là năm “tiền hung, hậu kiết”. Đó là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) siết lãi suất quá chặt trong năm 2022 và tiếp tục sang đến 2023, tạo ra sức ép lên các nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến “đổ vỡ gì đó”.
Và quả thật, chuyện đổ vỡ của Ngân hàng SVB ở Mỹ và rồi việc “cấp cứu khẩn cấp” ngân hàng đầu tư lớn của châu Âu là Credit Suisse, đã diễn ra. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính toàn cầu như giai đoạn 2007-2009 đã không diễn ra.
Công đầu thuộc về tốc độ can thiệp rất nhanh của các NHTW Mỹ và Thụy Sĩ, với sức ép không nhỏ từ các lãnh đạo của Mỹ, châu Âu, sự thúc đẩy của các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tương tự, lần lượt những công ty bất động sản lớn như Country Garden, những định chế tài chính có rủi ro hệ thống như Zhongzhi - công ty quản lý tài sản lớn hàng đầu và là một trong những mắt xích chủ chốt của hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc - đã đổ vỡ.
Nhưng rồi chính phủ Trung Quốc chỉ đạo việc can thiệp để tiếp quản (bao gồm việc cả một số quỹ đầu tư liên quan đến chính phủ bỏ tiền ra mua vào cổ phiếu trên thị trường đã giảm đà rớt giá của thị trường cổ phiếu), song song với những nỗ lực giải quyết khó khăn trên thị trường bất động sản.
Kết quả, những tác động đến thị trường được dự báo ở quy mô lớn hơn rất nhiều Evergrande, đã không diễn ra.
Những diễn biến ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trong năm 2023 đã làm ai dự báo về tình hình rất xấu thất vọng. Bởi rủi ro là có, nhưng các chính phủ có động lực để khống chế những “quả bom” trong nền kinh tế của mình không phát nổ. Và họ hành động rất nhanh.
Bloomberg đã xem việc “các đổ vỡ diễn ra nhưng chúng ta đã vượt qua chúng rất nhanh” là bất ngờ lớn nhất của 2023 - năm có đủ ngân hàng phá sản, chiến tranh, đối đầu địa chính trị, phong tỏa công nghệ, “đem sản xuất về nước thân thiện”… mà chúng ta được như cuối 2023 là may mắn lớn.
2024 dự báo tăng trưởng kinh tế chậm hơn 2023, nên lãi suất được dự báo phải cắt giảm, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để hy vọng về triển vọng hạ cánh mềm trong năm 2024.
Đánh giá chung về thị trường các nước ASEAN 2023, Ngân hàng đầu tư JP Morgan, nhận định khá trúng vào đầu năm là: ASEAN sẽ đối mặt với những khó khăn do sức cầu nước ngoài với hàng xuất khẩu ở những nước này yếu đi, tác động kích thích kinh tế của mở cửa sau dịch Covid-19 trong năm 2021 dần đi qua, thanh khoản thu hẹp, lãi suất tăng cao, thu nhập thực của người dân tăng chậm và tiết kiệm thực sụt giảm.
Những nền kinh tế hướng về thương mại quốc tế làm động lực chính như ASEAN sẽ bị tác động xấu vẫn là trở ngại chính.
Rõ ràng, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đều đối mặt với những vấn đề JP Morgan dự báo. Nhưng rồi cuối năm mọi việc đều tốt hơn lên, với vai trò không thể phủ nhận là nỗ lực của các chính phủ qua những chính sách kinh tế của mình. Theo đó, có nước hạ lãi suất, tăng chi tiêu công, có nước đẩy mạnh các thương vụ thu hút đầu tư nước ngoài - tùy vào đặc thù của từng nước.
Và đến cuối năm 2023, bức tranh đã lộ diện: lạm phát bắt đầu hạ nhiệt nhiều và lãi suất của những đồng tiền chủ chốt đã đạt đỉnh.
2024: Hy vọng kinh tế “hạ cánh mềm”
Những ngày cuối năm 2023, tín hiệu phức tạp về địa chính trị thể hiện ngày một rõ ràng. Trong 2 tuần cuối của 2023, những tin được đánh dấu “nóng” trên Bloomberg đa số đều liên quan đến địa chính trị. Đồng thời, người ta đang đẩy mạnh tìm kiếm các từ khóa liên quan đến địa chính trị trên Bloomberg.
Vàng tăng giá vượt 2.050USD/ounce, doanh số tăng mạnh của các công ty vũ khí. Đặc biệt, con số đã làm sốc thị trường là đơn hàng tồn đọng của Tập đoàn BAE Systems của Anh tăng từ mức bình quân 60 tỷ USD năm 2020 lên 84,2 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023.
Nhà phân tích Nick Cunningham dự báo, tỷ lệ đơn đặt hàng so với đơn hàng giao trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu sẽ vẫn ở mức cao hơn 1, có nghĩa lượng đơn hàng tồn đọng tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong khi khả năng sản xuất không mở rộng kịp.
Những con số trên chỉ ra rằng 2024 các diễn biến địa chính trị sẽ còn rất phức tạp. Một rủi ro rất đáng kể cho kinh tế toàn cầu, là diễn biến ở dải Gaza có thể lan ra thành cuộc chiến khu vực ở Trung Đông, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng về năng lượng và giao thông trên biển.
Điểm thứ hai, 2024 là “năm bầu cử lớn nhất lịch sử” với hàng loạt quốc gia đóng vai trò quan trọng trong kinh tế toàn cầu như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nghị viện châu Âu và có thể bao gồm cả Anh và Nhật Bản (dự kiến bầu cử 2025, nhưng có thể sẽ được tổ chức sớm hơn trong 2024).
Trong một năm có nhiều biến động như vậy, các doanh nghiệp lớn dự kiến trì hoãn các khoản đầu tư và ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong việc cho vay. Nợ xấu đang gia tăng ở ngân hàng Mỹ, châu Âu và một số thị trường mới nổi, buộc các ngân hàng phải thận trọng hơn.
Tiếp cận vốn khó hơn, diễn biến địa chính trị phức tạp, các doanh nghiệp lớn sẽ trì hoãn chi tiêu vốn cho đến khi mọi việc rõ ràng hơn về mặt chính trị. Trong khi đó, những gói hỗ trợ lớn giúp duy trì khu vực tư nhân vững vàng của kinh tế Mỹ trong năm 2023, như gói hỗ trợ giảm tác động từ lạm phát (IRA) sẽ dần không còn trong 2024.
Đầu tư không tăng mạnh, tiếp cận vốn khó hơn, tình hình các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới như Mỹ và châu Âu vẫn sẽ khó khăn và điều đó sẽ ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu. Một tình huống được một số ngân hàng đầu tư đưa ra là kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu trượt xuống trong những tháng đầu 2024, nhưng sau đó sẽ gượng lại và vẫn hạ cánh mềm vào cuối năm, đặc biệt khi lãi suất bắt đầu được cắt giảm ở Mỹ.
Nhưng vẫn có những quan điểm khác. JP Morgan dự báo rủi ro suy thoái của nửa đầu 2024 trên toàn cầu chỉ 25%, nhưng tăng lên đến 45% vào nửa sau và 60% vào nửa đầu 2025.