Nhiều thách thức với mục tiêu GDP 6% năm 2024

(ĐTTCO) - TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Ban phân tích và dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 khoảng 6% là khá thách thức.

Nhiều thách thức với mục tiêu GDP 6% năm 2024

PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 như thế nào?

TS. NGUYỄN HỮU THỌ: - Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế, bởi mức độ hội nhập quốc tế, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày một lớn. Dự báo trong năm 2024 bối cảnh quốc tế có xu hướng phức tạp, khó khăn nhiều hơn, mức độ phục hồi của nền kinh tế thế giới khá thấp và lạm phát vẫn ở mức cao.

Trong các yếu tố này, điều tôi lo ngại nhất là tình hình xung đột quân sự Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, xung đột quân sự Hamas - Israel tái diễn ở mức độ mạnh, lại thêm căng thẳng trên Biển Đỏ.

Sự bất ổn địa chính trị trên làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa, chi phí vận chuyển hàng hóa của Việt Nam đi các nước và từ các nước vào Việt Nam sẽ tăng cao, khiến sản xuất trong nước gặp khó khăn. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, tức phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của các đối tác thương mại.

Trong 5 đối tác thương mại lớn của Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng giảm. Đây là khó khăn cho kinh tế Việt Nam.

- Ông nghĩ sao khi 2-3 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang giảm dần?

- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2005-2023 (gần 20 năm) tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều ở mức cao (6-8%). Có 7 năm tăng trưởng kinh tế đạt 5-6%, là các năm chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại dịch Covid-19 và hậu Covid-19, cùng với các xung đột vũ trang năm 2023. Những năm chúng ta có mức tăng trưởng thấp đều xuất phát từ nguyên nhân có tính toàn cầu, khi đó tăng trưởng kinh tế thế giới cũng đều đạt thấp.

huutho-1830.jpg

Như vậy tuy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt thấp, nhưng so với tình hình chung của thế giới chúng ta vẫn khá hơn. Như năm 2023, theo cách tính của IMF, tăng trưởng của Việt Nam đạt 4,7% (theo cách tính của Việt Nam là 5,05%), trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ 3%, các nước trong khu vực ASEAN chỉ đạt trung bình 4,2%.

Với cách điều hành kinh tế của Nhà nước và xu hướng phát triển của năm 2023, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt được 6% như mục tiêu của Quốc hội đề ra 6-6,5%.

- Theo ông đâu là cơ sở và động lực để đưa ra dự báo tăng trưởng 2024 đạt 6%?

- Như đã thấy Nhà nước và các chủ thể trong nền kinh tế đã chủ động hơn, lường trước được bối cảnh này để đưa ra những đối sách tốt hơn. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế đã có xu hướng tốt hơn tạo đà cho năm 2024. Trong 3 khu vực của nền kinh tế, năm 2023 chỉ có khu vực công nghiệp - xây dựng phục hồi chậm, nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt, khu vực doanh nghiệp (DN) tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có tín hiệu phát triển trở lại.

Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, đầu tư công của Nhà nước trong năm 2024 vẫn tiếp tục được duy trì. Các quy hoạch quốc gia, quy hoạch kinh tế - xã hội các địa phương cơ bản đã xong, năm nay sẽ phát huy tác dụng tạo không gian mới cho tăng trưởng.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có xu hướng chuyển dịch mạnh về các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

tangtruong-2-1481.jpg

- Ông có đề xuất giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024?

- Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, phải nỗ lực rất lớn, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tôi nghĩ có 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó, kiểm soát lạm phát sẽ là khó khăn nhất, bởi lạm phát thế giới năm 2024 dự báo vẫn ở mức cao; các yếu tố trong nước có ảnh hưởng đến lạm phát còn nhiều, nhất là kế hoạch cải cách tiền lương dự kiến thực hiện vào tháng 7-2024 (tâm lý tăng lương kéo theo tăng giá).

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Trong đó, chú trọng đến 4 vấn đề: (1) Hoàn thiện quy định pháp luật và chính sách hỗ trợ để gỡ khó một số thị trường yếu tố đầu vào, như trái phiếu DN, bất động sản; (2) Tháo gỡ khó khăn để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; (3) Hoàn thiện các văn bản để tổ chức triển khai ngay các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt; (4) Thực hiện quyết liệt và hiệu quả các giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024, về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đây là sự hỗ trợ rất quan trọng không chỉ thúc đẩy sản xuất của từng DN, từng vùng, mà còn thúc đẩy sản xuất theo hướng liên kết vùng, hình thành vùng sản xuất chuyên môn hóa cao. Tiếp tục đặt trọng tâm vào một số hạ tầng: giao thông, điện và hạ tầng công nghệ; đầu tầu lớn là Hà Nội và TPHCM lấy hạ tầng giao thông làm khâu đột phá.

Thứ tư, tăng cường hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh là DN, hợp tác xã và hộ gia đình. Theo đó, tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ tiếp cận thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế thông qua hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu; hỗ trợ cho các DN và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi vay ưu đãi hơn.

Thứ năm, duy trì tốt nguồn năng lượng nhất là nguồn điện, xăng dầu. Cả 2 nguồn này đang phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu sẽ khó khăn hơn bởi nguồn cung và vận tải hàng hóa thế giới đang biến động mạnh.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác