Thời gian qua, các NHTM không ngừng đẩy mạnh phát mãi mọi tài sản để thu hồi nợ xấu, từ tài sản BĐS hàng ngàn tỷ đồng, đến xe hơi, máy móc thiết bị giá trị từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Dự án Kenton Node đã bị BIDV đấu giá tài sản thế chấp. Ảnh: CAO THĂNG
Cấp tập xử lý nợ xấu
Năm 2020 là đến hạn 5 năm phải xử lý các khoản nợ bán cho VAMC. Nếu chưa xử lý xong thì các ngân hàng phải mua lại để tiếp tục xử lý. Vì khi nợ xấu được nhận về, các ngân hàng phải tất toán tài sản, kể cả phải giảm giá để bán nợ. Do đó, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều NHTM như BIDV, VietinBank, Sacombank, SCB đã rao bán nhiều dự án, tài sản BĐS như Kenton Node, The Era Town, tài sản gắn liền với đất ở Bình Dương, Hưng Yên... Thậm chí, TPBank, VIB cùng nhiều NHTM khác đang rao bán thanh lý nhiều xe hơi là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ với giá rẻ hơn 8%-20% so với giá thị trường.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết 5 tháng đầu năm, Sacombank đã đấu giá thành công 9.700 tỷ đồng, nên từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu. Hiện Sacombank còn nắm hơn 25.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và đang nỗ lực xử lý, thu hồi nợ xấu. Lãnh đạo ACB cũng cho biết, nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến “bầu” Kiên hiện còn 806 tỷ đồng, bao gồm trái phiếu, khoản phải thu, nợ gốc và hơn 1.000 tỷ đồng lãi.
Khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo và có khả năng thu hồi nợ trong thời gian tới cũng như đã trích lập dự phòng 100%. Nếu thu hồi được, lợi nhuận ACB sẽ tăng thêm 806 tỷ đồng. Mặc dù vậy, muốn bán được tài sản thì phải có người mua phù hợp chứ không thể bán ngay được. Do đó có thể đến năm 2021, ACB mới thu hồi hết các khoản nợ này.
Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc phát mãi tài sản của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Các tài sản đảm bảo là BĐS, sau nhiều lần rao bán không thành, thậm chí có những tài sản ngân hàng rao bán vài chục lần và đã giảm giá đến 20%-30% so với giá rao ban đầu nhưng vẫn ế. Chẳng hạn, BIDV chi nhánh Phú Tài vừa thông báo đấu giá tài sản của nhóm Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn còn 800 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi.
Đây là lần rao bán thứ 17 của ngân hàng này. Sacombank cũng đấu giá các BĐS thế chấp tại quận Bình Thạnh và quận 5 trên 20 lần nhưng vẫn chưa có người mua. Riêng nhóm tài sản như xe hơi, mặc dù thanh khoản tốt hơn nhưng một số NHTM nhìn nhận, người mua xe cũng rất lo ngại về giấy tờ xe, vì đây là “nợ xấu” nên buộc ngân hàng phải thanh lý giá thấp hơn thị trường.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhiều BĐS phát mãi có vị trí đẹp, giá tốt hơn so với mặt bằng giá thị trường. Tuy nhiên, việc mua các tài sản này phải qua nhiều thủ tục giải chấp, đôi khi trục trặc mà người mua sẽ gặp rủi ro vì trong quá trình giao dịch có thể phát sinh các vấn đề liên quan đến pháp lý tài sản, sự đồng thuận của chủ tài sản, pháp lý quyền mua, quyền bán của ngân hàng... nên người mua rất thận trọng dẫn đến tình trạng ế ẩm.
Thêm nữa, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường BĐS cũng trì trệ, người dân lo ngại dịch bệnh nên cũng không mặn mà đầu tư vào BĐS. Nhiều khoản nợ là BĐS được rao bán rất nhiều lần không được, vì công ty định giá đưa ra mức không phù hợp với thị trường, mặc dù giá trị khoản nợ cũng được điều chỉnh sau khi rao bán hoài không xong, nhưng chỉ với mức giảm hạn chế nên quá trình bán nợ xấu kéo dài vẫn chưa thể xử lý xong.
Giảm lợi nhuận
Thực trạng trên cộng với khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên hệ thống ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Vietcombank tăng từ 0,79% lên 0,83% trong 2 quý đầu năm. Trong đó, tỷ lệ nợ đáng chú ý (nợ nhóm 2) tăng gấp 3 lần so với đầu năm và đã chiếm tới 1% tổng dư nợ. Tính đến cuối tháng 6-2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,75% lên 2%.
Tổng nợ xấu tính đến 30-6-2020 của Vietinbank cũng tăng đến 48% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 250% và nợ nghi ngờ tăng 84%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,7%. Không chỉ các NHTM quốc doanh mà các NHTM cổ phần cũng tăng nợ xấu khá nhiều. Nợ xấu của OCB tính đến hết tháng 6-2020 tăng 14% so với đầu năm nay; trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 21% và nợ nghi ngờ tăng 34%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,84% lên 1,93%. Tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý 2-2020 của Eximbank cũng tăng 12%, lên hơn 2.157 tỷ đồng; trong đó, nợ nghi ngờ tăng 140%, nợ có khả năng mất vốn tăng 98%. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay Eximbank tăng từ mức 1,71% lên mức 2,08%.
Theo các công ty chứng khoán, NHTM đang ngấm đòn dịch Covid-19, thể hiện rõ qua việc lợi nhuận sụt giảm, một phần do tín dụng tăng trưởng chậm trong khi ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro từ khoản vay của khách hàng đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Theo đó, lợi nhuận ròng của ngân hàng sẽ giảm 5,4% trong năm 2020 và nợ xấu có khả năng tăng lên do dịch, khiến chi phí dự phòng tăng theo.
Báo cáo lợi nhuận quý 2-2020 cũng cho thấy, nợ xấu tăng cao kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank tăng 21% (tương đương 4.009 tỷ đồng) nên lợi nhuận trước và sau thuế giảm khoảng 3% so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 10.982 tỷ đồng và 8.788 tỷ đồng. Nợ xấu tăng nên Sacombank phải tăng mạnh gần 50% trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm. Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.428 tỷ đồng, giảm 2,3% so với kết quả đạt được cùng kỳ 2019. Không chỉ các ngân hàng lớn mà các ngân hàng nhỏ như KienLongBank, lợi nhuận trước thuế và sau thuế 6 tháng đầu năm cũng giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 103 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính là do tín dụng chỉ tăng có 1,99% trong nửa đầu năm, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3,2 lần cùng kỳ. Tương tự, lợi nhuận trước và sau thuế quý 2-2020 của VietBank giảm 61% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 58 tỷ đồng và hơn 46 tỷ đồng; trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng tăng gần gấp đôi. Lợi nhuận trước thuế Eximbank 6 tháng đầu năm giảm 27,6% so với cùng kỳ có nguyên nhân chủ yếu, do phải trích lập dự phòng cao cũng như việc tái cơ cấu nợ cho khách hàng do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Nhận định về việc này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn và đã bắt đầu thấm đòn bởi dịch Covid-19, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu và BĐS. Tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 9%-10% trong năm 2020, nhưng nợ xấu có thể tăng nhanh do khó khăn từ dịch bệnh.
"Dự báo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 4% vào cuối năm 2020, cao hơn so với mức 1,89% vào cuối năm 2019, do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Sự tác động của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình xử lý nợ xấu. Tiến trình này chỉ có thể được thúc đẩy nhanh hơn, khi nền kinh tế vận hành bình thường và hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trở lại. Khi đó, năng lực trả nợ của bên vay sẽ tốt hơn"- |
TPHCM xử lý 123.274 tỷ đồng nợ xấu Theo NHNN chi nhánh TPHCM, đến hết tháng 5-2020, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017 (chính thức có hiệu lực ngày 15-8-2017) đã được xử lý là 123.274 tỷ đồng. Trong số này, thu từ nguồn khách hàng trả nợ là 32.583 tỷ đồng; các tổ chức tài chính nhận tài sản đảm bảo thay cho nghĩa vụ trả nợ 525 tỷ đồng; bán, phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ 1.503 tỷ đồng; bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) 429 tỷ đồng; bán cho các tổ chức khác 5.536 tỷ đồng và xử lý theo hình thức khác trên 6.000 tỷ đồng. Việc xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42/2017 tại các tổ chức tín dụng ở TPHCM hiện nay là gần 18.500 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng đã xử lý được khoảng 58.165 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt. |