Trong tình hình dịch bệnh, thị trường xuất khẩu bị giới hạn nhiều do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gãy đổ. Chính vì thế, chúng ta phải quay lại với kinh tế nội địa để hỗ trợ tăng trưởng.
Bởi việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước để thay thế phần nào sự suy giảm của nhu cầu hàng hóa trên thị trường quốc tế là điều vô cùng quan trọng trong và sau đại dịch.
Có thể thấy trong thời gian dịch nguồn cung hàng hóa nông sản đầy ắp không thể xuất khẩu, đã vậy những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế gắt gao cũng hạn chế lượng hàng hóa Việt Nam bán ra nước ngoài.
Tuy nhiên, việc kích cầu nội địa có những giới hạn nhất định và phải chấp nhận những giới hạn đó. Thực tế, việc kích cầu tiêu dùng trong nước, chúng ta đã có chính sách người Việt dùng hàng Việt từ nhiều năm nay. Chính sách này có tác dụng nhưng có những giới hạn khi thực hiện.
Thứ nhất, Việt Nam đã hội nhập kinh tế và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Hàng Việt bị cạnh tranh bởi hàng nước ngoài, khi rất nhiều hàng hóa nhập khẩu có thể rẻ hơn hàng Việt do được miễn giảm thuế và chất lượng tốt hơn. Vì vậy, chủ trương người Việt dùng hàng Việt đúng đắn nhưng không phải lúc nào người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay thế hàng nước ngoài bằng hàng trong nước.
Thứ hai, do mức thu nhập rất thấp nên sức tiêu thụ của người tiêu dùng rất giới hạn. GDP ở mức 267 tỷ USD năm 2019, nếu chia cho 96 triệu dân, GDP/đầu người/năm chỉ khoảng 3.000USD.
Thứ ba, về phía Chính phủ, vì không phải là người bán hàng, nên chỉ có thể khuyến mại ở những sản phẩm dịch vụ trong quyền kiểm soát, như các mức phí về công trình giao thông công cộng, phí y tế, giáo dục, điện, nước… để khuyến khích người dân sử dụng.
Thế nhưng những sản phẩm, dịch vụ này chỉ đóng góp tỷ trọng không nhiều trong tổng nhu cầu của người dân. Người dân có nhu cầu lớn ở những sản phẩm như thực phẩm hay phương tiện để sinh sống.
Song những nhu yếu phẩm này không nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ, nên cũng chỉ có thể kêu gọi doanh nghiệp, người bán hàng thực hiện khuyến mại. Đơn cử, Chương trình khuyến mại tập trung Quốc gia 2020 áp dụng trong tháng 7 có tác dụng rất giới hạn.
Thứ tư, để kích cầu tiêu dùng, một trong các giải pháp là tăng tín dụng tiêu dùng. Chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật.
Thế nhưng rủi ro của tín dụng tiêu dùng thời điểm này đang tăng lên. Bởi tín dụng tiêu dùng là tín chấp, trong khi người dân mất công ăn việc làm sẽ khiến khả năng trả nợ suy giảm. Trong khi đó, NHNN muốn các TCTD đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng nhưng họ không thể chấp nhận mức rủi ro quá cao để sau này trở thành nợ xấu.
Thứ năm, lúc này, nếu muốn hỗ trợ kích cầu tiêu dùng phải tăng hỗ trợ người dân bằng tiền để họ chi tiêu. Đồng thời, Chính phủ phải giảm thuế cho doanh nghiệp để giá cả hàng hóa rẻ hơn. Song cả 2 yêu cầu này đều gặp giới hạn về ngân sách.
Cụ thể, ngân sách năm nay hụt thu rất nhiều do doanh nghiệp không có lãi, chi phí nhà nước về y tế đối phó với dịch bệnh lại tăng nhiều so với năm ngoái. Cho nên hỗ trợ về mặt chính sách tài khóa rất giới hạn, từ đó việc giảm thuế cho doanh nghiệp cũng không có nhiều dư địa.
Thứ sáu, trong tình thế này, Chính phủ phải xem xét để hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta có gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng dành cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhưng các quy định, thủ tục hành chính khiến việc triển khai gói này không hiệu quả như mong đợi.
Theo tôi, nếu muốn kích cầu tiêu dùng nội địa, Chính phủ cần tăng cường thêm gói hỗ trợ lên 200.000-300.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ đó phải đưa đến tận tay người dân, những người thất nghiệp và thu nhập thấp, bằng thủ tục hành chính thông thoáng. Bởi dù có những hạn chế về mặt tài khóa, nhưng tại thời điểm này cứu trợ người dân và cứu trợ nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
Có thể nợ công sẽ tăng khi vay tiền của nước ngoài, có thể in tiền thêm chấp nhận mức lạm phát cao hơn, nhưng lúc này là lúc cần phải tung ra những gói hỗ trợ mạnh và hữu hiệu giúp doanh nghiệp và người dân.