Nếu việc hình thành TTTC tại TPHCM thành công, lợi ích mang lại từ TTTC có thể giúp TPHCM tăng trưởng các chỉ tiêu GDP, đóng góp ngân sách… nhiều hơn nữa.
Nhưng hãy lưu ý những vấn đề đang tồn tại trở thành thách thức: Thứ nhất, theo Cục Thống kê, cứ bình quân 5 năm dân số TPHCM tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp, cơ sở hạ tầng còn quá tải, lạc hậu, xuống cấp, môi trường sống ô nhiễm, chưa xứng tầm một thành phố công nghiệp lớn nhất cả nước.
Thứ hai, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực. Cùng với đó, tỷ lệ vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của thành phố còn thấp, mới đạt 52%, trong khi Singapore 243%, Bangkok 120%...
Điều này khiến tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng.
Thứ ba, hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần tuy phát triển mạnh nhất cả nước, nhưng so với các tổ chức tín dụng trong khu vực vẫn còn nhỏ bé về quy mô và thiếu kinh nghiệm trong dịch vụ tài chính quốc tế, phân tích thị trường, thẩm định dự án.
Cấu trúc và năng lực kinh doanh của các định chế tài chính - ngân hàng còn yếu kém, phát triển manh mún, liên kết lỏng lẻo. Thư tư, thành phố cũng thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, các công ty ủy thác, các nhà môi giới tiền tệ...
Những yếu tố này có thể làm giảm sức hấp dẫn về giao dịch thương mại, kinh doanh, đầu tư và tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển trở thành TTTC khu vực và quốc tế.
Thế mạnh của Hồng Kông và Singapore
Thế mạnh của Hồng Kông và Singapore
Cơ sở hạ tầng được xem là một yếu tố cần thiết để xây dựng một TTTC lớn mạnh. Vào những năm 1990, cả Hồng Kông và Singapore tập trung vào định hướng phát triển lên các TTTC quốc tế.
Và cả 2 quốc gia cùng cạnh tranh cùng thắng, các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) đều đặt trụ sở hoạt động ở cả 2 để phục vụ nhu cầu cấp vốn, hoạt động ngân quỹ cũng như quản lý rủi ro của họ.
Đó là họ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế rất thuận lợi, bao gồm hệ thống viễn thông tuyệt vời và phần mềm ngân hàng tốt, trở thành trung tâm kinh doanh cho các trụ sở hoạt động của các MNCs.
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, Hồng Kông và Singapore cũng nhanh chóng ứng dụng các công nghệ này vào TTTC của họ để thu hút nhà đầu tư, các MNCs.
Về cơ cấu và thị trường tài chính, Chính phủ Hồng Kông áp dụng chính sách không can thiệp, cho phép “chủ nghĩa tư bản kinh doanh” phát triển thành công. Singapore cũng thành công không kém ở chỗ chính phủ tạo ra và duy trì vị trí thích hợp trong lĩnh vực tài chính quốc tế.
Cụ thể, họ không sở hữu bất kỳ ngân hàng trung ương nào. Thay vào đó, họ có các cơ quan quản lý tiền tệ tương ứng mà không có quyền phát hành tiền tệ. Quyền phát hành như vậy được giao cho bên thứ ba. Tại Hồng Kông, 3 ngân hàng thương mại tư nhân được giao quyền phát hành tiền tệ trong hệ thống bản vị tiền tệ (currency board) với hệ thống tỷ giá hối đoái cố định.
Ngược lại, việc phát hành tiền tệ Singapore là đặc quyền của cơ chế bản vị tiền tệ nhưng hệ thống tỷ giá hối đoái của Singapore thuộc hệ thống thả nổi có quản lý. Điều này cho thấy chính phủ luôn cung cấp một hệ thống tài chính ổn định.
Một TTTC quốc tế không thể phát triển nếu không có thị trường ngoại hối. Vào những năm 2000, Singapore đã củng cố vị thế là một thị trường ngoại hối quan trọng ở châu Á.
Tính đến 2020, Singapore vẫn duy trì là trung tâm giao dịch ngoại hối đứng thứ ba trên thế giới, trong khi đó Hồng Kông đã vươn lên dẫn đầu, vượt qua cả New York, Singapore.
Ngoài việc cung cấp các dịch vụ ngoại hối, một TTTC quốc tế cũng phải có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trung gian tài chính quốc tế, cũng như cung cấp các phương tiện phát hành và bảo lãnh phát hành.
Môi trường pháp lý được coi là trụ cột trung tâm cần thiết cho một TTTC thành công. Đó là các quy định có tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới và phát triển của thị trường hay không? Mức độ ổn định chính trị và không có bạo lực là yếu tố được sử dụng trong đánh giá xếp hạng năng lực của TTTC.
Xét về Hồng Kông và Singapore, có thể nói cả 2 chính phủ đều có chung niềm tin xây dựng các quy định chặt chẽ và mức độ minh bạch cao trong lĩnh vực tài chính, đây cũng là những yếu tố thiết yếu góp phần đưa họ trở thành TTTC quốc tế.
Nguồn nhân lực và uy tín của các TTTC là con người đóng góp trong vận hành bộ máy TTTC. Các TTTC hiện đại cho phép nhân viên, chuyên gia làm việc từ xa, thậm chí là xuyên biên giới một cách dễ dàng hơn. Các thành phố càng lớn với cơ sở hạ tầng và điều kiện sống tốt vẫn thu hút được những nhân tài hàng đầu.
TPHCM vẫn có thế mạnh riêng
TPHCM vẫn có thế mạnh riêng
Nói như vậy không có nghĩa Việt Nam nói chung và TPHCM không có thuận lợi trong việc hình thành TTTC. Mặc dù việc xây dựng TTTC tại TPHCM hiện nay còn giới hạn ở yếu tố cơ sở hạ tầng, khu vực tài chính, nguồn nhân lực, nhưng xét về yếu tố chênh lệch múi giờ, ổn định chính trị, vị trí địa lý thuận lợi, nền văn hóa đa dạng có thể nói đây là điểm mạnh của TPHCM.
Cụ thể là Việt Nam có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong khoảng thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Ngoài ra, vị trí địa lý TPHCM rất thuận lợi chỉ cách khoảng 3 giờ bay tới các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… và xa hơn chút là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
TPHCM còn có nhiều lợi thế về tiềm năng kinh tế - tài chính để phát triển thành TTTC tầm cỡ khu vực và quốc tế như: có cảng biển quốc tế nối trực tiếp với các nước trong khu vực; có mạng lưới ngân hàng thương mại cổ phần năng động, hoạt động rộng khắp cả nước; có lợi thế về quy mô kinh tế - tài chính chiếm đến hơn 20% GDP cả nước...
Những năm gần đây, thị trường tài chính thành phố đã dần hình thành và phát triển từng bước khá đồng bộ với các loại thị trường khác, đảm nhận ngày càng tốt hơn chức năng thu hút, điều hòa các nguồn cung - cầu vốn của cả nền kinh tế.
Trên nền tảng tiêu chí so sánh giữa Hồng Kông và Singapore, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể: (1) xác định điểm mạnh trong cung cấp dịch vụ tài chính, khoanh vùng đối tượng phục vụ để gia tăng lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn như cung cấp đa dạng nguồn tài chính, chi phí giao dịch rẻ cho các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei, là nước chưa có thị trường tài chính phát triển;
(2) xây dựng và ban hành khung thể chế với các quy định pháp lý chặt chẽ nhằm tạo môi trường tài chính minh bạch đồng thời có thể cạnh tranh trên khu vực;
(3) tăng cường tính kiểm tra giám sát, kiểm soát rủi ro hệ thống một cách cẩn thận, thả lỏng có quản lý giúp tạo một sân chơi bình đẳng, minh bạch, an toàn cho nhà đầu tư;
(4) cần thành lập một tổ chức chuyên trách chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của TTTC;
(5) xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển, trong trung và dài hạn tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đẳng cấp cần thiết để thu hút nhóm tài chính đa dạng từ các công ty dịch vụ tài chính, để đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng của mình tuân thủ các thông lệ tốt nhất theo tiêu chuẩn ngành.