PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quý cuối năm thường là những tháng chạy nước rút nên tăng trưởng sẽ cao hơn. Trong bối cảnh này, ông nhìn nhận khả năng bứt phá của nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm thế nào?
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Tình hình kinh tế đang có xu hướng phục hồi tích cực với một số điểm sáng. Đó là hầu hết ngành đều có tăng trưởng, dịch vụ và các ngành liên quan đến du lịch đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2022. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi từ tháng 5, sang tháng 10 đã tăng trưởng. Xuất khẩu có cải thiện, đơn hàng xuất khẩu một số mặt hàng như đồ gỗ, dệt may đang quay lại...
Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng có gần 18.400 DN gia nhập thị trường.
Dù vậy, thực trạng kinh tế đang cho thấy không ít vấn đề cần suy ngẫm. Tình hình kinh tế nói chung có cải thiện nhưng rất chậm và khó bứt phá trong quý IV. Cần lưu ý, theo chu kỳ kinh tế Việt Nam trong thập niên qua cho thấy quý IV không phải là quý tăng trưởng cao nhất.
Số DN rút lui khỏi thị trường vẫn cao, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 14.700 DN rút lui khỏi thị trường. Theo đó, cứ 10 DN gia nhập thị trường, có 8 DN rút khỏi thị trường, chỉ còn 2 DN tiếp tục hoạt động. Đầu tư xã hội nói chung tăng trưởng rất thấp; trong đó đáng lo ngại nhất là đầu tư tư nhân.
- Năm nay tăng trưởng sẽ đạt mức bao nhiêu và khả năng tăng trưởng của năm 2024 thế nào, thưa ông?
- Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm tăng trưởng 4,23%, thấp nhất trong những năm bình thường (trừ 2 năm dịch bệnh). Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), GDP năm 2023 của Việt Nam tăng không quá 4,7%, và năm 2024 tăng khoảng 5,5-5,8%. Nhìn chung các dự báo kinh tế đều thận trọng, tình hình kinh tế có cải thiện nhưng vẫn rất chậm, chưa ổn định, chưa thể phục hồi trở lại bằng trước đây. Tuy vậy, tất cả đều dự đoán và hy vọng năm 2024 sẽ tốt hơn 2023.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5%. Khi thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng đây là mức khá cao, nên đặt mục tiêu khoảng 5-6%. Tuy nhiên, việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu. Nếu có giải pháp phù hợp và đủ mạnh, nhất quán, tăng trưởng có thể còn cao hơn.
- Theo ông cần trông vào đâu để lấy lại đà tăng trưởng cao?
- Nhìn vào các động lực, xuất khẩu dù đã cải thiện nhưng vẫn yếu, dự báo năm nay suy giảm 4,2% so với năm ngoái. Điều đáng mừng, đơn hàng xuất khẩu của một số nhóm ngành hàng đang quay lại. Nhưng có lẽ xuất khẩu chưa thể phục hồi lại như trước. Sản xuất công nghiệp gắn với xuất khẩu, cầu thế giới chưa tăng, công nghiệp rất khó có đột biến trong quý IV và cả năm 2024. Chỉ số PMI tháng 9 và 10 lại giảm xuống, sau khi vượt vào tháng 8.
Dịch vụ được coi là động lực hy vọng nhất hiện nay nhưng đang có xu hướng giảm và khó có thể cải thiện nhiều trong quý IV và cả trong năm 2024. Tăng trưởng doanh số bán lẻ, thành phần chủ yếu của dịch vụ và tiêu dùng, được xem là cứu cánh của động lực tăng trưởng, đang suy giảm nhanh chóng, từ tăng trưởng 15-17% đã liên tục giảm còn 11-12% và đến tháng 6 giảm mạnh xuống mức tăng chỉ 6,5% và bây giờ mức tăng chỉ 7%.
Như vậy, nếu tiêu dùng là động lực thì động cơ đang yếu đi.
Về đầu tư, chỉ có đầu tư công tăng mạnh, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng, hết 10 tháng ước giải ngân được 56,74% kế hoạch. Những nguyên nhân làm chậm giải ngân đầu tư công về cơ bản vẫn chưa khắc phục được. Đầu tư tư nhân trong nước tăng rất thấp, chưa có dấu hiệu cải thiện. Tình hình có lẽ không có cải thiện đáng kể năm 2024, nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời. Đây là vấn đề đáng lo ngại nhất.
Như vậy, để đạt được tăng trưởng 6-6,5%, thậm chí cao hơn, rất cần có kịch bản điều hành và các nhóm giải pháp rất cụ thể, và có thể lượng hóa được tác động của chúng đến tăng trưởng. Trong đó, cầu trong nước vẫn sẽ là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng năm 2024.
Vậy, tăng trưởng dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu dùng cá nhân phải tăng ít nhất bao nhiêu (thí dụ 9%). Và kích cầu nội địa vẫn phải là giải pháp ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Vậy đó phải là những giải pháp gì?
Đáng tiếc, Quốc hội chỉ xem xét gia hạn giảm 2% thuế VAT đến 30-6. Tôi nghĩ điều đó là cần thiết nhưng chưa đủ, cần phải có thêm các giải pháp quảng bá, xúc tiến và kích cầu riêng cho dụ lịch.
Bên cạnh tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phải chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến đầu tư tư nhân trong nước. Giải pháp tác dụng lớn nhất đối với gia tăng đầu tư tư nhân là cải cách mạnh mẽ, thực chất môi trường kinh doanh. Bởi thực tế mấy năm gần đây môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu xấu đi, bất chấp chỉ đạo liên tục bằng các chỉ thị, công điện của Thủ tướng và nghị quyết của Chính phủ.
Trước hết, phải khắc phục ngay những vấn đề bức xúc, quy định bất hợp lý cộng đồng DN đã từng phản ánh liên tục trên mọi diễn đàn, kể cả ở Quốc hội trong mấy năm qua. Phải cắt bỏ các quy định nội dung bất hợp lý, chồng chéo mâu thuẫn nhau, không chỉ cắt giảm quy định về thủ tục hành chính. Không cắt bỏ các nội dung đó, thủ tục vẫn còn, vẫn tốn kém về thời gian và tiền bạc đối với DN.
Bên cạnh đó, gỡ ách tắc tín dụng như tiếp tục hạ lãi suất, điều chỉnh linh hoạt điều kiện tiếp cận tín dụng cho DN trên nguyên tắc đảm bảo chuẩn tín dụng. Tiếp đó gỡ bỏ rào cản pháp lý đối với các dự án bất động sản, bằng các thay đổi phù hợp các quy định có liên quan, không phải bằng các giải pháp hành chính…
- Xin cảm ơn ông.
Muốn tăng trưởng kinh tế đạt 5%, quý IV phải tăng trưởng GDP 7-8%. Nhưng với thực trạng như hiện nay rất khó đạt được. Phải nhìn thẳng vào thực tế, không nhìn vào các con số để biết được thách thức và cơ hội.