TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Tỷ lệ điều tiết ngân sách không công bằng cho TPHCM'

(ĐTTCO) - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đã có một số chia sẻ với ĐTTC, nhằm góp thêm một phần ý kiến, với mong muốn TPHCM sẽ đột phá mạnh mẽ hơn, biến khó khăn, thách thức thành động lực hành động.

TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Tỷ lệ điều tiết ngân sách không công bằng cho TPHCM'

PHÓNG VIÊN: - Năm 2023 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo ông, tới đây cơ hội của TPHCM sẽ thế nào?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Những cơ chế trước đây cho TPHCM và mới nhất là Nghị quyết 98/2023 đều mang ý nghĩa rất tốt, giải quyết rất nhiều vướng mắc về đầu tư, tài chính, ngân sách, đô thị, tổ chức bộ máy, từ đó tạo điều kiện cho TPHCM phát triển.

Tuy nhiên, dù TP luôn đóng góp cho ngân sách quốc gia nhiều, song tỷ lệ điều tiết ngân sách hiện tại cho TP có thể nói là không công bằng, gây thiệt thòi cho TPHCM. Vậy nên, ngoài những chính sách đặc thù, Trung ương nên xem xét lại việc đóng góp về ngân sách của TPHCM, giúp TP có thể giữ lại nhiều hơn để phát triển.

Ở rất nhiều quốc gia khác, những TP lớn đều có sự đóng góp cho ngân sách của trung ương. Sự đóng góp này dựa theo tinh thần phải có sự đồng thuận của các TP đó. Vì khi các TP bắt buộc phải đóng góp quá nhiều về ngân sách, họ sẽ cảm thấy nhụt chí trong vấn đề tận dụng tất cả năng lực để phát triển.

Chẳng hạn tại những TP lớn của Mỹ như New York hay Los Angeles, họ có nhiều loại thuế, trong đó có thuế liên bang và thuế tiểu bang. Thuế liên bang sẽ trả về cho liên bang, TP không được hưởng. Với những loại thuế tiểu bang, chỉ có tiểu bang mới được hưởng, không chia sẻ lại cho liên bang... Như vậy, trong cơ chế phân định rõ ràng, các TP rất tự chủ trong vấn đề ngân sách.

microsoftteams-image-58-png-2210-1667985126-2614.jpg

Việt Nam không có chế độ về các loại thuế cho Trung ương, cho các TP đô thị và thuế cho các quận huyện, nên các TP lớn khi có nguồn thu lớn phải đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia. Việc đó có thể ảnh hưởng đến tinh thần ý chí phát triển của các địa phương.

Tôi đề nghị xem xét về chính sách thuế, nên chăng áp dụng những cơ chế rạch ròi hơn, thuế nào nộp về Trung ương, thuế nào giữ lại địa phương. Quay trở lại với TPHCM, tôi thấy rằng dựa vào nhu cầu, tiềm năng phát triển và sức đóng góp của TP, tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng phải 30-40%.

Một điểm nữa là trong Nghị quyết 98 của Quốc hội có đặt ra nhiệm vụ xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại TPHCM. Đây là hợp lý nhất, vì TPHCM là trung tâm thương mại và trung tâm kinh tế của cả nước, với tất cả điều kiện thuận lợi về giao thông, hàng hải, hàng không… Đặc biệt, thời tiết tại TPHCM ôn hòa, con người giao tiếp nhạy bén, trình độ ngoại ngữ tốt… là những điều kiện rất quan trọng để thành lập TTTC quốc tế và TPHCM nên thúc đẩy nhanh việc này.

- Nói đến TTTC quốc tế, theo ông TPHCM nên thực thi thế nào, và có mô hình nào trên thế giới có thể học hỏi để sớm có TTTC quốc tế ra đời tại Việt Nam?

- Hiện nay trên thế giới có rất nhiều mô hình TPHCM có thể học hỏi. Như mô hình TTTC quốc tế tại Thượng Hải, Thâm Quyến (Trung Quốc), hay Hồng Kông, Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia)… Xa hơn là những TTTC quốc tế lớn của Mỹ như World Trade Center, Los Angeles, San Francisco…

Mô hình có rất nhiều, vấn đề là phải có kế hoạch và lộ trình rõ ràng để xây dựng một TTTC quốc tế tại TPHCM. Ít nhất trong vòng 5 năm qua, vấn đề của TTTC đặt tại TPHCM đã được nói đến rất nhiều, nhưng chưa thấy kế hoạch cụ thể, chi tiết để trình Quốc hội phê chuẩn.

TTTC quốc tế có tầm quan trọng đối với nền kinh tế cả nước, là trung tâm thu hút rất nhiều đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, TPHCM cần phải có ủy ban chuyên biệt, để có dự thảo về việc thành lập, với những kế hoạch về tài chính, hoạt động, công nghệ, quan hệ quốc tế… để có thể bắt đầu một cách thực tế cho chương trình lớn lao này.

Tại thời điểm này, chúng ta vẫn chưa biết được TTTC quốc tế như thế sẽ tốn chi phí bao nhiêu và nguồn từ đâu, ngân sách, các tổ chức tư nhân hay các quỹ? Điều quan trọng hơn, hoạt động của TTTC đó bao gồm những gì và liệu sự đóng góp của TTTC đó trong sự phát triển của nền kinh tế ra sao, ở mức độ nào… vẫn chưa rõ ràng.

- TPHCM đang nỗ lực tìm kiếm, khơi dậy những động lực mới với kỳ vọng đột phá mạnh mẽ. Ông có ý kiến gì để TP có thể chuyển mình mạnh mẽ hơn, thu về nhiều hơn “quả ngọt” trong năm 2024 và nhiều năm tới?

- Với nhiều lợi thế riêng, vai trò đầu tàu của TPHCM vẫn sẽ được duy trì, dù có hay không có chính sách mới. Vấn đề là làm sao để TPHCM có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, tạo những đột phá mới để khai thác hết tiềm lực của mình.

Đây là vấn đề mang tính hệ thống. TPHCM chỉ có thể chuyển mình mạnh mẽ nếu cả hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội cùng chuyển mình theo. Trong giới hạn như vậy, TPHCM cần khai thác những đặc trưng riêng.

Thứ nhất, TPHCM đang đi đầu trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa. TPHCM cũng cần thu hút những nguồn tài trợ lớn, trong đó có nguồn đầu tư của nước ngoài để có thêm động lực phát triển mới. Năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden sang Việt Nam và đưa ra những đề xuất về đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

TPHCM phải tận dụng cơ hội đưa ra những sáng kiến để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa. Có một thực tế, là nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nản chí, cho rằng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam nói giỏi, nói tốt ở thời điểm đàm phán, nhưng khi triển khai lại không thực hiện những điều đã hứa. TPHCM phải là TP tiêu biểu chấm dứt tình trạng này.

Thứ hai, TPHCM cần đẩy mạnh, khích lệ các thành phần công chức, viên chức, cán bộ có tính cách đột phá, dám nghĩ dám làm. Một bộ phận của TPHCM vẫn còn tâm lý chưa dám làm vì sợ trách nhiệm, chính vì thế làm chậm bước phát triển của TP. Thứ ba, phải đấu tranh triệt tiêu vấn đề tham nhũng.

TPHCM chỉ có thể vượt lên ngang tầm với thế giới nếu tổ chức hệ thống hành chính, kinh tế trong sạch và thông suốt. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển, giúp TPHCM gia nhập và được công nhận trên sân chơi quốc tế.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Các tin khác