Việt Nam đã có những cải cách cụ thể về môi trường kinh doanh và liên tục tăng về điểm số, tuy nhiên tốc độ cải cách vẫn chậm, thiếu đồng bộ và chưa có tính đột phá. Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 19, các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc rất chậm.
Khi đó chỉ có Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực và TPHCM là những đơn vị đi đầu tham gia thực hiện các nhiệm vụ Nghị quyết 19 đặt ra. Các năm sau đó các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm hơn, và đến giai đoạn 2017-2018 hầu hết đã nắm được tinh thần của Nghị quyết, có những hành động cụ thể hơn. Tuy vậy, mức độ thực hiện Nghị quyết 19 giữa các bộ, ngành và địa phương chưa đồng đều, dẫn đến kết quả đạt được cũng khác nhau.
Về mặt tổng quan, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, có thể nhận thấy rằng môi trường kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều. Ngay năm 2018, dù chúng ta không có cải thiện về thứ bậc, nhưng 8/10 chỉ số đều có sự cải thiện về điểm số tuyệt đối. Duy nhất chỉ số về phá sản doanh nghiệp chưa được cải thiện, đây là điểm trừ của môi trường kinh doanh.
Về xếp hạng, năm 2017 chúng ta tăng 14 bậc, còn năm nay giảm 1 bậc. Giảm vì các nước đi nhanh hơn, trong khi chúng ta có cải cách, có thay đổi nhưng tốc độ còn chậm, chưa theo kịp sự thay đổi của các nước.
PHÓNG VIÊN: - Nghị quyết 19 đặt mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4, vậy kết quả hiện nay thế nào, thưa bà?
Bà NGUYỄN MINH THẢO: - Đúng là Nghị quyết 19 đặt mục tiêu cấp thiết đến hết năm 2017 đạt tối thiểu bằng trung bình các nước ASEAN 4, trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, cho đến nay khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước, nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới - WB) thuộc nhóm 30 nước.
Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế Thế giới), phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu. Điều này cho thấy chúng ta vẫn chưa đạt được các chỉ số trung bình của ASEAN 4.
Trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, trong 5 năm qua mới có một số các chính sách được thay đổi, như ban hành nghị định về quản lý an toàn thực phẩm, bãi bỏ một số quy định về hóa chất, nhưng cũng chưa có thay đổi nhiều. Ngoài ra, một số thủ tục nhà nước liên quan đến cấp phép và kinh doanh của doanh nghiệp đã được đơn giản hóa, nhưng còn quá ít ỏi so với kỳ vọng của doanh nghiệp.
- Bà cho rằng chỉ số phá sản doanh nghiệp chính là “điểm trừ” trong đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam, vậy nguyên nhân do đâu thưa bà?
- Nguyên nhân chính do chúng ta đã không có cải cách trong lĩnh vực tư pháp, dẫn đến không có thay đổi gì về chỉ số phá sản doanh nghiệp. Bởi lẽ, chỉ số này không chỉ liên quan đến các hoạt động của Chính phủ hay các bộ, ngành, địa phương, mà còn liên quan đến kết quả hoạt động của ngành tòa án, tức lĩnh vực tư pháp.
Trong thời gian qua, có thể nói chúng ta chưa thấy được sự nỗ lực cải cách của tòa án trong việc thực hiện Nghị quyết 19. Thực tế, các cơ chế và thủ tục của tòa án hiện nay đang khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện những thủ tục phá sản, như có người từng nhận xét “xin chết” cũng không xong.
Vấn đề này đòi hỏi cần phải có sự phối hợp giữa Chính phủ, các bộ với hệ thống tòa án để thực hiện cải cách tư pháp, cải cách các thủ tục, giúp doanh nghiệp thực hiện việc phá sản được nhanh gọn hơn.
- Bên cạnh chỉ số phá sản doanh nghiệp, chỉ số về thuế hay đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp cũng không có sự cải thiện đáng kể?
- Năm nay, trong đánh giá của WB về cải thiện môi trường kinh doanh, đã tính thêm chỉ số nhà nước phải hoàn thuế cho doanh nghiệp. Chính vì thế dù các thủ tục về nộp thuế của doanh nghiệp đã được cải thiện nhờ những cải cách của ngành thuế, nhưng vấn đề hoàn thuế cho doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện.
Doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn về vấn đề hoàn thuế. Do vậy chỉ số năm nay của chúng ta các chỉ tiêu phải nộp thuế và hoàn thuế đều bị giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thủ tục khởi sự kinh doanh hay đăng ký kinh doanh của chúng ta vẫn chưa được cải thiện mạnh mẽ.
Thí dụ, để thực hiện thủ tục khởi sự kinh doanh, chúng ta mất đến 17 ngày, trong khi các nước khác hoàn tất thủ tục này ngay trong ngày. Chỉ số khởi sự kinh doanh của ta hiện nay có thay đổi nhưng còn rất chậm, một phần vì nó còn liên quan đến thủ tục khác ở các cơ quan khác như cơ quan quản lý kinh doanh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan thuế...
- Trong bảng xếp hạng về cải thiện môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới đưa ra, năm 2018 Việt Nam bị giảm 1 bậc so với năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức gì đối với quản lý kinh tế hiện nay, thưa bà?
- Thực tế trong thời gian qua chúng ta đã làm rất nhiều việc và đã có kết quả, nhưng vẫn đứng ở nhóm dưới bảng xếp hạng. Điều này cho thấy nỗ lực của chúng ta đã làm nhưng chưa đủ mạnh, chưa có chiều sâu và chưa đủ hiệu quả để cải thiện môi trường kinh doanh. Do đó, cần có sự vào cuộc rộng rãi và mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương.
Hiện nay, sự vào cuộc của các bộ đều ở mức độ khác nhau, nên kết quả đạt được cũng khác nhau. Thí dụ, Tập đoàn Điện lực làm tốt về cải cách thủ tục, Bộ Y tế làm tốt về lĩnh vực an toàn thực phẩm, nhưng trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các bộ khác hầu như chưa có sự thay đổi nhiều. Đơn cử, lĩnh vực đăng ký sở hữu tài sản còn chồng chéo, lĩnh vực phá sản doanh nghiệp gần như không có thay đổi gì.
Về cải thiện môi trường kinh doanh, các nước thay đổi với tốc độ nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Tôi lấy dẫn chứng trong khu vực ASEAN, trong những năm gần đây, Indonesia và Thái Lan đã có sự vượt bậc rất nhanh về cải thiện môi trường kinh doanh.
- Xin cảm ơn bà.
Thách thức lớn đối với cải thiện môi trường kinh doanh của ta hiện nay là chưa tạo ra được điểm nhấn cho đột phá. Do đó, muốn tăng thêm được thứ bậc đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, bởi dư địa cho cải cách của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều, nhưng chúng ta lại chưa thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và thiếu sự triệt để. |