Cơ hội phục hồi kinh tế thể hiện rõ rệt trong 2024

(ĐTTCO) - Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng mức tăng trưởng 5,05% tuy không đạt được mục tiêu, song đây vẫn là mức cao so với khu vực và thế giới, quan trọng hơn Việt Nam vẫn giữ được ổn định vĩ mô để tạo đà tăng trưởng trong năm tới.

Xuất khẩu gạo đạt được kết quả hết sức ấn tượng.
Xuất khẩu gạo đạt được kết quả hết sức ấn tượng.

PHÓNG VIÊN: - Bà có thể cho biết những “điểm sáng” nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG: - Năm 2023, dù không đạt được mức tăng trưởng đã đề ra, song Việt Nam đã vực dậy được đà tăng trưởng, thể hiện rõ qua chỉ số GDP theo các quý đều tăng dần vào cuối năm 2023. Có nhiều lĩnh vực đạt kết quả tăng trưởng rất ấn tượng. Có thể kể đến là khu vực nông - lâm - thủy sản, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, khi năm 2023 đã xuất khẩu lương thực ở số lượng lớn với giá cao, cũng như duy trì sự kết nối với thị trường thế giới qua các mặt hàng như gạo, rau quả với con số hết sức ấn tượng chưa từng có.

Một điểm nữa, là kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn duy trì được sự kết nối, độ mở lớn với thế giới, được thể hiện qua con số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vẫn tăng cao. Đặc biệt, số vốn FDI đăng ký thực hiện lên tới hơn 23 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

nguyenthi-huong-7932.jpg

Điều này cho thấy các tập đoàn lớn của thế giới đã rất tin tưởng đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, khu vực du lịch và dịch vụ cũng có sự phục hồi ấn tượng, biểu hiện qua con số khách du lịch đến Việt Nam đạt khoảng 12,6 triệu lượt người, vượt mục tiêu ban đầu đề ra 8 triệu lượt người và sau này điều chỉnh là 12,5 triệu lượt người. Điều này cho thấy chúng ta là thị trường hấp dẫn với các tập đoàn kinh tế cũng như người dân thế giới.

- Tuy nhiên, những lĩnh vực rất quan trọng như ngành công nghiệp chế biến chế tạo, năm 2023 lại thể hiện sự “hụt hơi”, thưa bà?

- Năm 2023, kinh tế thế giới biến động khó lường, lạm phát các nước dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, dẫn đến trong nước đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Vì vậy, ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây. Trong đó, có 2/4 số ngành công nghiệp cấp 1 quan trọng giảm sâu, tăng mức thấp so cùng kỳ 2022.

Điều này một phần do tiềm lực tài chính của doanh nghiệp có hạn và đã tới hạn, trong khi tiêu chuẩn sản xuất của các đơn hàng quốc tế ngày càng khắt khe và yêu cầu cao hơn, không chỉ về chất lượng sản phẩm, còn phải đáp ứng các yêu cầu sản xuất hướng tới xanh và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam năm 2023 được đánh giá là “điểm sáng”. Năm 2024, liệu FDI vào Việt Nam có còn tiếp tục “sáng”, thưa bà?

- Tổng vốn đăng ký FDI năm 2023 tăng 32,1% so với cùng kỳ 2022, đây là mức tăng cao nhất và ấn tượng, tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ năm 2020, được kiểm soát hoàn toàn vào năm 2022. Đồng thời, trong năm 2023 các hoạt động ngoại giao kinh tế được tăng cường, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Mỹ, được kỳ vọng đưa đến làn sóng đầu tư mới, chất lượng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Việc thu hút FDI thành công, đặc biệt là nửa cuối năm 2023, đã góp phần làm dòng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2022, là năm đạt quy mô vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước đến nay.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với tất cả đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga... Nổi bật trong các FTA Việt Nam đã ký kết là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA), tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài mở rộng cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với đó, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực thi hiệu quả. Tôi cho rằng, các yếu tố này đã và đang tác động tích cực đến nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam trong những năm tới.

- Bà nhận định thế nào về các dự báo hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024?

- Năm 2024 được dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã xác định ngay từ đầu và đã có kế hoạch thực hiện với hướng đi rất rõ ràng. Dù vậy Việt Nam cũng có những lợi thế lớn. Không phải ngẫu nhiên các tổ chức trong nước cũng như quốc tế đều dự báo năm 2024 Việt Nam sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2023. Bởi Việt Nam đang có đà và niềm tin của doanh nghiệp về môi trường đầu tư.

Thí dụ, Việt Nam đang có chủ trương rất lớn về đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, hay phát triển nhân lực trình độ cao trong những lĩnh vực then chốt mũi nhọn, cùng với đó là môi trường đầu tư an toàn, ổn định. Đây là những lợi thế không phải quốc gia nào cũng có.

Nhìn chung, năm 2024 kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Cùng với đó, các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn. Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác