Đầu năm nói chuyện niềm tin

Khủng hoảng kinh tế ở bất cứ quốc gia nào, vào thời điểm nào đều có những điểm chung giống nhau, đó là người dân “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu và hậu quả cũng tương tự như nhau. Một loạt vòng xoáy luẩn quẩn xuất hiện theo hệ lụy: không chi tiêu thì hàng hóa tồn đọng, sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng, nghèo đói trầm trọng và người dân lại tiếp tục tiết kiệm không chi tiêu, nền kinh tế càng lún sâu vào khủng hoảng.

Khủng hoảng kinh tế ở bất cứ quốc gia nào, vào thời điểm nào đều có những điểm chung giống nhau, đó là người dân “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu và hậu quả cũng tương tự như nhau. Một loạt vòng xoáy luẩn quẩn xuất hiện theo hệ lụy: không chi tiêu thì hàng hóa tồn đọng, sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng, nghèo đói trầm trọng và người dân lại tiếp tục tiết kiệm không chi tiêu, nền kinh tế càng lún sâu vào khủng hoảng.

Kỳ vọng niềm tin

Cũng như các nước khác, Chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều để cứu nền kinh tế như ổn định kinh tế vĩ mô, kéo hạ lãi suất, kìm hãm lạm phát, dãn thuế, đầu tư công trở lại sau khi hạn chế một thời gian dài, tung ra các gói cho vay kích cầu.

Các doanh nghiệp cũng tự cứu mình bằng mọi cách như giảm giá các mặt hàng, khuyến mại tiêu dùng, cải tiến quy trình phục vụ, tăng dịch vụ tiện ích, tăng cường quảng cáo, chiêu dụ khách trở lại bằng các chiêu trò…

Từ giữa năm 2012, nhiều người tin năm 2013 thị trường bất động sản sẽ ấm lên khi lãi suất ngân hàng giảm, giá nhà đất giảm, các gói kích cầu của Chính phủ tung ra. Quả thật, năm 2013 lãi suất ngân hàng giảm khá sâu, người vay mua nhà chỉ còn 10-12%/năm, bằng lãi suất năm 2005-2006; Chính phủ đưa ra gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng, hàng loạt chính sách ưu đãi liên quan đến nhà ở xã hội được ban hành.

Nhưng đến hết năm 2013 chưa thấy nắng ấm, hơn 100.000 căn hộ tồn đọng từ năm 2012 ở cả 3 miền và vài ngàn căn hộ xây mới năm 2013 bổ sung, cũng chỉ bán được hơn 15%, chủ yếu là các căn hộ nhỏ có diện tích dưới 60m2 và có giá trên dưới 1 tỷ đồng.

Sẽ là duy ý chí nếu lúc này ai đó đưa ra một giải pháp kích thích tiêu dùng làm cho toàn xã hội bùng phát trở lại. Việc tung các gói kích cầu chỉ giống như tiếp một chai nước biển hay một liều doping cho cơ thể đang ốm yếu.

Tiêu dùng của dân sẽ gia tăng trở lại khi nền kinh tế khá lên theo nguyên lý “nước lên, thuyền lên”. Tuy nhiên, việc ấm lên của thị trường có thể diễn ra sớm hơn nếu niềm tin của người tiêu dùng được phục hồi, đó chính là một trong các thành tố cơ bản nhất và bền vững nhất. Một thực tế không chối bỏ là người dân đang mất niềm tin vào xã hội.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Tổng giám đốc hệ thống Citimart, phân tích: “Những khách hàng thành viên của hệ thống đi siêu thị hàng tuần trước đây có thể chọn 20-30 mặt hàng để mua, nay chỉ còn trên dưới 10 mặt hàng. Những thứ họ chọn toàn sản phẩm ăn uống cơ bản như mì gói, bột ngọt, đường, sữa… Những món ăn, thức uống thuộc hàng “thưởng thức” như sốt gia vị, phômai, bánh chocolate nhập, bia hiệu ngoại… không mua thường xuyên nữa”.

Tình hình tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu đã như thế, với những mặt hàng nặng ký như căn hộ, đất nền sự lưỡng lự còn nặng nề hơn là điều dễ hiểu.

Nhìn từ thị trường bất động sản

Nghiên cứu thị trường cho thấy, thực sự người dân có nhu cầu mua nhà, bởi hàng triệu gia đình chưa được an cư, hàng trăm ngàn công chức nhà nước chưa có chỗ ở, họ cũng hiểu có lẽ đã đến lúc mua được rồi. Nhưng họ nhìn nhau, nhìn doanh nghiệp để tìm một niềm tin chắc chắn số tiền chắt chiu cả đời bỏ ra phải mua được một món hàng hợp lý, giá cả không bị hớ. Nhưng có điều diễn biến thị trường mấy năm nay không mang lại cho họ niềm tin ấy, không sao dò được đáy.

Còn nhớ cuối năm 2012, giá nhà ở thương mại được các doanh nghiệp đưa ra cho căn hộ trung bình 21-25 triệu đồng/m2, giảm 1/3 so với lúc cực thịnh, các doanh nghiệp khẳng định đã là đáy. Đến đầu 2013, thị trường xuống tiếp 17 triệu đồng/m2 tạo ra một đáy mới, giữa năm 2013 xuống tiếp 15 triệu đồng/m2 lại hình thành đáy nữa.

Nhiều người bắt đầu mua, nhưng khi nhà ở xã hội tung ra với giá 11-12 triệu đồng/m2, nhà ở thương mại lại xuống tiếp, bằng hoặc thậm chí thấp hơn cả nhà ở xã hội. Cuộc đua giảm giá có thể vẫn còn tiếp diễn, bởi một dự báo có cơ sở là nhà ở xã hội có thể xuống còn 6-7 triệu đồng/m2.

Khi các đáy giá cả liên tiếp bị phá, cố nhiên niềm tin của khách hàng cũng bị lung lay, chưa kể rất nhiều doanh nghiệp chậm giao nhà, hoặc không biết bao giờ mới giao được nhà vì nhiều lý do khác nhau, trong khi đã huy động tiền của khách hàng trước đó cả dăm năm. Tất cả cộng hưởng làm cho khách hàng mất niềm tin.

Một góc khu căn hộ chung cư Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: LONG THANH

Một góc khu căn hộ chung cư Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: LONG THANH

Làm thế nào để khởi động thị trường bất động sản hoạt động trở lại một cách mạnh mẽ hơn? Chính lúc này cần một cú hích phá băng để lôi kéo người tiêu dùng theo kiểu “hiệu ứng đám đông”. Ai tạo ra cú hích này? Chỉ có thể là Nhà nước hay chính các doanh nghiệp lớn.

Kịch bản cuộc khủng hoảng tài chính ở nước ta ngày nay có những nét lặp lại kịch bản khủng hoảng tài chính 1997 ở Bangkok, Thái Lan. Khi đó bất động sản cũng đóng băng, các nhà đầu tư có nguy cơ bị phá sản, chính lúc này chính quyền Bangkok đã mua lại rất nhiều cao ốc, chung cư với giá thấp hơn khi thịnh vượng để làm văn phòng cho các cơ quan công quyền và cho quỹ dự trữ nhà thành phố.

Hành động này đã giúp các doanh nghiệp không rơi vào phá sản, hơn nữa sau khủng hoảng nhà nước có nhà giá thấp bán cho người dân và công chức, lợi cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ Việt Nam có thể làm được điều này nếu không tiếp tục đổ tiền cứu các tập đoàn kinh tế nhà nước đang chìm hoặc đã chìm hẳn, số tiền đó hỗ trợ kích thích thị trường. Thêm vào nữa cần có những chính sách mạnh tay hơn.

Còn nhớ năm 2002 ở Thâm Quyến, Trung Quốc, khi nhà cầm quyền hạn chế việc mở rộng diện tích thành phố, hạn chế sản xuất thêm căn hộ (thay vì hạn chế dân nhập cư), lập tức số căn hộ tồn đọng được bán hết trong thời gian ngắn. Làm sao để người dân nghĩ rằng cơ hội mua nhà lần này là trăm năm có một, nếu chần chừ rất có thể căn nhà mơ ước mãi mãi sẽ tuột khỏi tầm tay và buộc họ phải thức tỉnh.

Các doanh nghiệp phải tư duy lại phương thức kinh doanh của mình, lấy lại niềm tin của người dân bằng cách chứng minh là tôi đang thật lòng với người tiêu dùng, không chiêu trò, không lừa bịp. Chính phủ và các doanh nghiệp cần hướng thị trường bất động sản phục vụ nhu cầu thật sự của người dân như chính phủ Singapore đang làm, chứ không phải tận tụy phục vụ cho nhóm đầu cơ và những người rửa tiền. Xây dựng thị trường bất động sản bền vững và lành mạnh mới là mục tiêu lâu dài của một quốc gia.

Các tin khác