Đổi mới cách phục vụ để níu chân du khách

(ĐTTCO) - “Khuya rồi về đi ngủ đi”, chủ nhà hàng mời khách ra về và tiến hành dọn bàn ghế khi khách còn đang ngồi và kim đồng hồ mới chỉ vừa đi qua vạch 21 giờ 30 phút

Đổi mới cách phục vụ để níu chân du khách

Đây là lời mời không được khéo léo, bởi khách đang có nhu cầu ngồi thêm để trò chuyện, ăn uống hoặc mua sắm trước khi ra về với thời gian muộn hơn.

Sau đại dịch Covid-19, các nước và Việt Nam đang khôi phục và phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, nhằm bù đắp cho những thiếu hụt tổn thất về doanh thu do đại dịch gây ra. Theo đó, ngành du lịch và các ngành khác có liên quan đến sự phát triển du lịch, đã có nhiều cố gắng để thu hút khách gần xa.

Khách nội địa cũng như khách các nước đến với các địa phương, ngoài việc tham quan, ăn uống nghỉ ngơi, mua sắm, còn dành thời gian cho việc khám phá nơi mình đến. Việc đó dẫn tới nhu cầu kéo dài thời gian hoạt động trong ngày là điều tất yếu. Khi thời gian kéo dài, doanh thu của du lịch, thương mại, ăn uống dịch vụ chắc chắn sẽ tăng lên, không bó hẹp vào những khung thời gian quá ngắn ngủi, nhất là về ban đêm.

Những ai đã từng đi du lịch ở nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu, đều thấy rõ ban đêm là khoảng thời gian các đơn vị kinh doanh du lịch thương mại thu hái được những kết quả cao nhất.

Quay trở lại câu “mời khéo” để nhà hàng dọn bàn ghế nêu trên, là thí dụ điển hình cho cách làm du lịch thương mại dịch vụ còn nhiều khiếm khuyết cần khắc phục. Chúng ta có thể lấy một số thí dụ ở một số nước có kinh tế du lịch ban đêm phát triển cao như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản… làm bài học cho mình.

Với Singapore, diện tích bằng tỉnh Nam Định của Việt Nam, tài nguyên tự nhiên không có gì nổi trội. Nhưng với việc mở rộng du lịch đêm cho khách vui chơi, mua sắm, ăn uống tham quan, năm 2019 ngành du lịch đảo quốc này đã đạt được doanh thu trên 20 tỷ USD.

Với Thái Lan, mùa du lịch năm 2019 đạt doanh thu hơn 50 tỷ USD, trong đó du lịch đêm đóng góp một phần đáng kể. Nhiều nước khác cũng khai thác tiềm năng mọi mặt trong du lịch, nhất là du lịch đêm, cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sức thu hút và đem lại dấu ấn cho việc quay trở lại nhiều lần của du khách với đất nước họ.

Vì thế, chúng ta cần học tập các nước làm du lịch. Theo đó, ngành du lịch phối hợp với các ngành hàng không, vận tải bộ, thương mại, ăn uống và dịch vụ, ngồi lại với nhau để khắc phục từng bước tình trạng “không muốn kéo dài thời gian phục vụ khách xảy ra khá phổ biến như hiện nay ở nhiều địa phương”.

Nguyên nhân sâu xa của tình hình này do các cơ quan quản lý ở địa phương sợ kéo dài thời gian phục vụ sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cùng với đó, các đơn vị du lịch thương mại, ăn uống chưa có sự phối hợp bàn bạc đề xuất việc phục vụ, để có thể tận dụng quỹ thời gian từng ngày nhằm tăng doanh số và lợi nhuận tối đa. Đặc biệt, du lịch Việt Nam ít sáng tạo đổi mới bằng nhiều hình thức để níu chân khách hàng càng lâu càng tốt.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế thương mại du lịch dịch vụ nói riêng đang gặp những khó khăn về thu hút khách để tăng doanh thu lưu trú, bán hàng lưu niệm, ăn uống, việc đổi mới mạnh mẽ cách làm việc của các ngành ở các địa phương có liên quan đến du lịch trong năm 2023 và những năm tiếp theo, là vô cùng cần thiết.

Ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, cần có sự thấu hiểu, ủng hộ và có những chính sách quy định hợp lý nhằm phát triển mạnh mẽ du lịch tại các địa phương, nâng cao tinh thần hợp tác chia sẻ và phục vụ trong những lúc khó khăn như hiện nay.

Sự chỉ đạo của các cấp, ngành cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp, kỳ vọng việc đổi mới để phát triển du lịch tại các địa phương sẽ đạt được những kết quả trong một số năm tới, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao vị thế và tính hiệu quả, sức thu hút cao của du lịch Việt Nam.

Các tin khác