PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vấn đề nợ xấu của các dự án BOT đang là áp lực của nhiều ngân hàng hiện nay. Được biết trong kỳ họp Quốc hội mới đây, ông cũng nêu vấn đề này trước nghị trường, vậy ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?
Ông NGUYỄN QUANG HUÂN: - Thực ra trong lần phát biểu ở Quốc hội tôi không đề cập nhiều đến vấn đề nợ xấu, mà nói đến nhiều hơn sự bất cập trong các dự án BOT. Cụ thể những quy định trước đó của hợp đồng đàm phán thì khác, nhưng sau khi triển khai đã bị điều chỉnh thay đổi. Đó là điều chỉnh về chính sách làm ảnh hưởng cho các doanh nghiệp đầu tư dự án BOT.
Đơn cử như trường hợp dự án Bắc Thăng Long - Nội Bài cũng được xây dựng theo hình thức BOT. Trước đó, khi ký hợp đồng với doanh nghiệp, Nhà nước có cam kết rằng nếu doanh nghiệp làm đường cao tốc, Nhà nước sẽ cho phép được thu phí ở Bắc Thăng Long. Nhưng bây giờ lại buộc doanh nghiệp phải tháo dỡ, tức không đúng với hợp đồng ban đầu, khi ấy Nhà nước phải đền bù cho họ.
Đây là bài toán nan giải, bởi trước đó đàm phán đã không tính toán kỹ đến các yếu tố khác như về dân sinh, xã hội. Nên khi dự án hoàn tất, trạm thu phí dựng lên gặp phải phản ứng gay gắt từ người dân. Nếu không tháo dỡ người dân phản đối, làm ảnh hưởng giữa áp lực dư luận và chính sách.
- Nếu vậy vấn đề nợ xấu của các dự án BOT đang thành “cục nợ” của các ngân hàng hiện nay?
- Tôi cho rằng không thể đánh đồng tất cả các dự án BOT đều phát sinh nợ xấu, mà cần phải phân định nó ra. Ngay cả khi phát sinh nợ xấu cũng phải xác định tại sao lại thành nợ xấu? Thí dụ, các doanh nghiệp đầu tư vào BOT giao thông, khi ký kết hợp đồng với đại diện cơ quan Nhà nước, với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hay đơn vị nào khác, song khi dự án của doanh nghiệp triển khai rồi Bộ GTVT lại đầu tư làm tiếp đường song song với đường BOT mà doanh nghiệp làm để dựng trạm thu phí. Như vậy là làm khó cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khi không có nguồn thu tất nhiên khó có thể có tiền để trả nợ cho các ngân hàng. Bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh vốn, còn các doanh nghiệp đầu tư bỏ tiền đồng để thu tiền vào, nên kỳ vọng vào lợi nhuận trong tương lai. Khi lợi nhuận không như kỳ vọng tất yếu cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều bị ảnh hưởng.
- Về bản chất của các dự án BOT theo hình thức PPP nói chung, vốn của Nhà nước là “vốn mồi”, còn lại là vốn tự có của doanh nghiệp, vốn huy động tư nhân. Song ở đây doanh nghiệp lại dựa vào tín dụng quá nhiều, vậy trách nhiệm của các ngân hàng khi cho vay đã không lường trước và đánh giá rủi ro?
- Về nguyên tắc các ngân hàng phải thẩm định các dự án BOT của doanh nghiệp. Thí dụ như các dự án BOT giao thông có thời gian kéo dài từ 20-40 năm chẳng hạn, khi ngân hàng cho vay phải tính rất kỹ.
Cá nhân tôi cho rằng, cho vay 20 năm là bình thường, quan trọng là phải xem cụ thể dự án như thế nào. Còn các dự án BOT mà ngân hàng cho vay không đúng quy định, không đúng mục đích, vi phạm quy định của luật liên quan đến ngân hàng cũng cần làm rõ. Khi ấy, nếu có sai phạm thì cơ quan điều tra sẽ xem xét, điều tra và xử lý.
- Cũng có kiến nghị giải pháp là dùng ngân sách nhà nước để mua lại trước thời hạn đối với các dự án BOT đang có nợ xấu, để doanh nghiệp có tiền trả nợ ngân hàng. Song điều này có tạo áp lực cho ngân sách?
- Tôi cho rằng nên dùng ngân sách được phân bổ của ngành giao thông để cơ cấu hỗ trợ những dự án phải dừng kinh doanh sớm, song cần triển khai có lộ trình cho nhiều năm, nhiều lần. Tuy nhiên cũng phải có sự giám sát và sàng lọc, phân loại kỹ lưỡng, tránh trường hợp doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách để trục lợi, đề phòng xuất hiện yếu tố “lợi ích nhóm”. Ở đây phải rõ ràng với nhau.
Đối với các dự án BOT của doanh nghiệp làm đúng theo các cam kết quy định trước đó nhưng sau này Nhà nước điều chỉnh lại, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là cách xử lý của Nhà nước, ta có thể gọi “bóng bẩy” là hỗ trợ, song thực chất đó là đền bù cho doanh nghiệp. Còn nếu những nợ xấu phát sinh từ dự án BOT do doanh nghiệp tính toán sai, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ phải tự chịu trách nhiệm, không thể đổ hết cho Nhà nước “gánh” được. Nếu như Nhà nước làm không đúng với hợp đồng ban đầu phải đền bù, còn Nhà nước không vi phạm, doanh nghiệp và ngân hàng phải chấp nhận.
Do vậy phải phân định từng loại cụ thể. Cái gì thuộc về trách nhiệm Nhà nước thì Nhà nước chịu, cái gì thuộc về doanh nghiệp thì doanh nghiệp chịu. Bởi nếu không sẽ dễ bị “lách luật”, dùng ngân sách nhà nước để bơm cho tư nhân, điều này là không đúng, là sai, là lợi ích nhóm.
Vấn đề này cần phải giám sát, làm rõ. Ở đây quan điểm rõ ràng là ngân sách nhà nước không thể dùng để gánh nợ xấu cho doanh nghiệp và ngân hàng.
- Xin cảm ơn ông.
Nợ xấu phát sinh từ dự án BOT do doanh nghiệp tính toán sai, doanh nghiệp và ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm. Còn nếu Nhà nước làm không đúng với hợp đồng ban đầu phải đền bù cho doanh nghiệp. Do vậy phải phân định từng loại cụ thể, nếu không sẽ dễ bị “lách luật”, dùng ngân sách Nhà nước để bơm cho tư nhân. Ở đây phải rõ ràng ngân sách nhà nước không dùng để gánh nợ xấu cho doanh nghiệp và ngân hàng.