Nhiều tổ chức ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ đạt khoảng 5%, nhưng rất có thể con số này chưa phản ánh đúng thực chất của nền kinh tế. Nhìn chi tiết vào các lĩnh vực, các chỉ số về ngành, doanh nghiệp của Việt Nam dễ thấy rằng, các ngành nghề đều có sự suy giảm, hoặc tăng trưởng thấp so với năm 2022.
Bởi hiện nay, năng lực sản xuất các doanh nghiệp trong nước đang vượt quá so với nhu cầu. Với nhu cầu bên ngoài, xuất khẩu có dấu hiệu cải thiện trở lại từ cuối quý III, khi đơn hàng khu vực Tây Âu và Mỹ tăng do nhu cầu phục vụ mùa mua sắm cuối năm, nhưng đến tháng 12 đơn hàng sụt giảm trở lại.
Nguyên nhân xuất phát từ công cuộc chống lạm phát của các NHTW lớn trên thế giới. Dù đã có những kết quả tích cực ban đầu, nhưng mức lạm phát vẫn đang cao hơn so với mục tiêu, do vậy các NHTW này sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, nếu giảm cũng sẽ giảm từ từ.
Chính sách tiền tệ thắt chặt đã và đang ngấm vào nền kinh tế của các nước phát triển, khiến sức mua của người dân sụt giảm, và không thể sớm quay trở lại nhanh chóng, ngay cả khi lãi suất giảm. Trong khi đó, đây chính là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Do đó, không nên kỳ vọng nhiều xuất khẩu của Việt Nam sẽ có đột phá trong năm 2024, mà chỉ cải thiện so với năm 2023. Khả năng tăng trưởng 2 con số như những năm trước rất thấp.
Với nội tại nền kinh tế, hiện nay các doanh nghiệp tương đối bi quan, co cụm lại, không mở rộng sản xuất, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Pháp lý đang là vướng mắc lớn nhất khiến rất ít dự án bất động sản mới được phê duyệt hay khởi công. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, trong khi đầu ra chưa được đảm bảo. Việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu cũng đã khó khăn hơn trước, chỉ những doanh nghiệp chất lượng rất tốt mới huy động được vốn ở kênh này.
Nhìn chung, tất cả nguồn tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân đều đang gặp khó và còn kéo dài sang năm sau, do những vấn đề trên khó có thể giải quyết nhanh chóng. Không chỉ đầu tư, tiêu dùng khu vực tư nhân cũng đang giảm.
Điều này xuất phát từ tâm lý thận trọng của người tiêu dùng khi thu nhập giảm sút, kinh tế bấp bênh. Tài sản của các hộ gia đình cũng mất mát trong năm qua do vướng vào các vụ trái phiếu, kẹt trong bất động sản, giá cổ phiếu sụt giảm… nên nguồn lực cho tiêu dùng giảm sút.
Với những thách thức nói trên, cũng có ý kiến kỳ vọng vào đầu tư công, xem đây là động lực chính cho tăng trưởng. Hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhưng đầu tư công không thể thay thế cho toàn bộ các động lực khác, mà phải đến từ khu vực tư nhân. Nhà nước cũng không thể có đủ nguồn lực để kéo dài mãi cho đầu tư công, thúc đẩy kinh tế. Kỳ vọng lớn nhất và tích cực nhất đến từ kinh tế thế giới hồi phục và chính sách tiền tệ của các nước lớn có thể đảo chiều nhanh hơn so với dự kiến.
Nhìn chung, đến nay kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng còn rất thấp so với điều kiện bình thường, và tình trạng này có nguy cơ kéo dài. Khu vực công nghiệp, đặc biệt là sản xuất chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu và các ngành nghề liên quan đến thị trường bất động sản, chịu ảnh hưởng mạnh nhất.
Ở trong nước, các thành phần tổng cầu đều suy yếu, lạm phát đã giảm nhanh và có xu hướng duy trì ở mức vừa phải mặc dù các sức ép tăng giá vẫn tồn tại và có xu hướng đảo chiều. Các đối tác thương mại lớn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao, ít nhất là trong phần còn lại của năm.