Từ những gốc gỗ lũa - gốc những cây gỗ lớn tưởng như bỏ đi - qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân Thái Văn Đức, 62 tuổi, xã Suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh lại hình thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng sinh động, bắt mắt. Từ những gốc gỗ cao su, gốc xà cừ, gốc điều già xù xì, vô tri, ông Đức có thể tạo các dáng tam đa, ngũ hành, tứ quý…
Chuẩn bị cho Tết Giáp Ngọ này ông Đức đã chế tác nhiều tác phẩm kiểu ngựa phi, ngựa hí, ngựa tung vó. Ngoài ra, những tạo tác có gắn liền với phong cảnh, với phong thủy như bộ tứ “long, lân, quy, phụng” hay “xuân, hạ, thu, đông”, “phúc, lộc, thọ”, hay những con vật tiêu biểu như chim ưng chờ mồi, rồng bay, công múa, chim én bay cũng được ông sáng tạo vô cùng sống động và bắt mắt.
Kể về những tác phẩm gỗ lũa của mình, lão nghệ nhân nông dân có bộ râu chớm bạc cười, bảo cũng vô chừng lắm. Nếu chọn được những gốc đẹp, làm cho nó trở nên sống động, có hồn, hình thể rõ ràng và có giá trị sử dụng, một gốc gỗ bán được cả chục triệu đồng.
Gốc gỗ có nhiều và đa dạng, nhưng không phải gốc nào cũng có thể tạo dáng được. Người nghệ nhân chỉ có thể cắt bớt từ gốc gỗ tự nhiên chứ không thể gắn thêm vào được, biến những cái xù xì thô ráp thành những hoa văn bóng đẹp, nên những hình dáng được tạo lên từ những gốc gỗ lũa khá tự nhiên.
Có một điều kỳ lạ là những gốc gỗ lũa nhìn bề ngoài, khi mới lấy ở tự nhiên, đa phần đều xấu xí, nhưng qua bàn tay, khối óc, trí tưởng tượng sáng tạo nó trở nên bóng đẹp. Nhiều khi chỉ là một khúc rễ cây tưởng như bỏ đi mọc thừa ra lại làm cho cả gốc gỗ lũa trở nên đẹp đẽ, sống động hơn bởi cái nhánh đó tạo nên những hình dáng mong muốn.
Những đường vân, thớ gỗ ẩn sâu bên trong gốc cây phải đến lúc đó mới bộc lộ ra, toát lên đầy đủ phần hồn của chất gỗ. Có lẽ, cũng vì lẽ đó mà rất nhiều người có thú đam mê sử dụng những vật dụng được làm từ gỗ lũa.