Năm 2013 qua đi với bộn bề khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2014 dự báo sẽ sáng sủa hơn nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Doanh nghiệp phải làm gì để vượt qua thách thức, biến khủng hoảng thành cơ hội phát triển? ĐTTC đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Hưởng (ảnh), Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank, một lãnh đạo ngân hàng thương mại, đồng thời là chuyên gia về quản trị phát triển.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, một số ý kiến cho rằng kinh tế năm 2014 sẽ sáng sủa hơn nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG: - Thời gian qua nhiều chuyên gia kinh tế nhận định tình hình kinh tế thế giới sẽ khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi. Ở Việt Nam, nền kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu tốt lên, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn còn tiềm ẩn. Về cơ bản tôi đồng tình với những nhận định đó, song cũng có suy nghĩ hơi khác vì tôi cho rằng kinh tế 2014 sẽ là năm giữ để không đổ bể, 2015 là năm để chúng ta ổn định và năm 2016-2017 kinh tế sẽ phát triển.
Trong mấy năm qua, có gần 55.000 doanh nghiệp đã giải thể và ngừng hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2014, doanh nghiệp thuộc loại hình này còn tồn tại sẽ không đổ bể vì đã vượt qua được khó khăn và vươn lên. Nhưng sự đổ bể này có thể xảy ra với doanh nghiệp lớn và nếu có, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng vì nó có thể gây nên hiệu ứng domino diện rộng.
- Năm 2013 việc giữ ổn định được kinh tế vĩ mô được đánh giá là thành công của kinh tế Việt Nam. Vậy trong năm 2014 cần tiếp tục làm gì để giữ vững những thành quả này, nhất là đối với hoạt động ngân hàng?
Chúng tôi xác định tại LienVietPostBank mỗi người phải luôn đổi mới tư duy, cốt lõi là muốn “mới”, phải “đổi”. Nếu ai không tự đổi mới mình thì đổi ngay con người đó. Ở LienVietPostBank, trí tuệ được đặt lên yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, chúng tôi kiên quyết tìm bằng được những người phù hợp, có tâm huyết, làm được việc và tạo môi trường làm việc tốt cho họ. Để làm được điều này, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp - một tài sản vô hình nhưng luôn hiện hữu của doanh nghiệp. |
- Một trong những biện pháp giữ những thành quả thời gian qua, theo tôi là chưa thể áp dụng Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vì thời điểm này siết Thông tư 02 sẽ gây đổ bể hàng loạt. Doanh nghiệp “chết” rồi đến lượt ngân hàng.
Thí dụ, doanh nghiệp đang có khoản vay 1 tỷ đồng tại ngân hàng, trước đây đến hạn phải trả một khoản gốc nếu không trả được, ngân hàng gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ như cũ (theo Quyết định 780 của NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ).
Nhưng khi áp dụng Thông tư 02, nếu doanh nghiệp không trả được dù chỉ 1 đồng tiền lãi (hoặc 1 đồng tiền gốc) đến hạn phải gia hạn nợ lần đầu tiên, toàn bộ dư nợ gốc 1 tỷ đồng cũng bị chuyển nhóm thành nợ xấu (nhóm 3).
Như vậy, một loạt khoản nợ của doanh nghiệp sẽ chuyển thành nợ xấu ngay tại thời điểm áp dụng Thông tư 02. Có những khoản chưa xấu nhưng sẽ thành rất xấu vì doanh nghiệp bị tê liệt, có nợ xấu không được vay vốn kinh doanh...
Nếu áp dụng Thông tư 02 vào tháng 6-2014 đồng nghĩa với việc tiếp tục trói doanh nghiệp, dồn doanh nghiệp, ngân hàng và cả nền kinh tế vào ngõ cụt, hết cơ hội phục hồi và làm phát sinh nợ xấu ồ ạt, doanh nghiệp không thể hồi phục mà còn xảy ra sự đổ bể của doanh nghiệp lớn, kéo theo đổ bể dây chuyền gây hậu quả nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần.
- Như vậy sẽ còn nhiều rủi ro, thách thức với doanh nghiệp và ngân hàng trong thời gian tới?
- Tôi nghĩ đến những yếu tố tích cực hơn. Tuy rằng "đời như bãi cát, sóng vỗ không ngừng chẳng để ta yên”, luôn có những bất ngờ trong cuộc sống, đôi khi "chính sự bất ngờ cũng không ngờ tới". Cốt lõi của cái mới chính là bất ngờ.
Có bất ngờ mới có cái mới thú vị, cho nên bất định, rủi ro, bất ngờ đôi khi đối với tôi lại là “may quá” để chúng ta có điều kiện nhìn nhận lại mình. Đúng là thời gian qua lời kể cả năm tới, chúng ta đang sống trong nguy cơ của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng tôi nghĩ rằng trong “nguy” có “cơ”, cơ hội luôn luôn trước mắt chúng ta.
Chúng ta phải biết sợ rủi ro, nhưng nếu quản trị được rủi ro sẽ có siêu lợi nhuận. Hãy nhớ, khi cuộc sống ném cho ta quả bóng xoáy, hãy nghĩ là cuộc sống đang trao tặng cho ta một món quà đặc biệt, một thử thách không chỉ có ý nghĩa nhắc ta tỉnh táo, mà còn là cách cuộc sống mang đến cho ta những ngạc nhiên thú vị.
Tư vấn cho khách hàng tại LienVietPostBank. |
- Vậy theo ông, bài học cho doanh nghiệp trong tiến trình phát triển những năm tới là gì?
- Hơn 20 năm gắn bó với ngành ngân hàng - tài chính, hơn 6 năm cùng với anh Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank) gây dựng và phát triển LienVietPostBank, chúng tôi rút ra nhiều bài học cho chính ngân hàng của mình.
Thứ nhất, phải biết mình là ai, đang đứng ở đâu, cần gì và rất cần gì. Chúng tôi xác định rất cần cái gì mới làm. Thí dụ, sau khi sáp nhập tiết kiệm bưu điện vào ngân hàng, ngoài mạng lưới hơn 13.000 điểm giao dịch, chúng tôi rất cần cái phía sau mạng lưới đó, là góp phần biến LienVietPostBank với chiến lược cũ “đầu tư - bán buôn - bán lẻ - kinh doanh đa năng”, chuyển sang chiến lược mới “bán lẻ và trở thành ngân hàng của mọi người”, thu hút được các dự án tài chính vi mô.
Khi có mạng lưới trải rộng khắp cả nước sẽ làm tốt hoạt động chi trả bảo hiểm xã hội, thu tiền dịch vụ và ngân sách, phát triển hoạt động thanh toán trên toàn quốc, làm bạn với nông dân và tạo được nguồn vốn khổng lồ trong hoạt động thanh toán.
Thứ hai, xác định mục tiêu, tìm nhiều con đường. Trong cuộc sống, chúng ta phải biết tìm nhiều đường đi, nhưng chỉ lựa chọn 2 con đường đơn giản nhất, phù hợp với mục tiêu cụ thể.
- Ông có thể chia sẻ văn hóa làm việc của LienVietPostBank?
- Văn hóa làm việc của LienVietPostBank là: “ít họp - họp ít - hiệu quả nhiều”. Cuộc sống, công việc chỉ đúc kết ra những bài học, tôn chỉ cốt lõi, đơn giản để tổ chức thực hiện dễ dàng. Chẳng hạn: Chúng tôi đúc kết 18 chữ vàng trong quản trị điều hành: "Tâm huyết - Đổi mới - Đoàn kết - Lắng nghe - Thấu hiểu - Bàn bạc - Quyết định - Quyết liệt".
Trong đó chúng tôi nhấn mạnh yếu tố Quyết liệt, bởi nếu đã đi đến Quyết định làm mà không Quyết liệt sẽ bỏ mất nhiều cơ hội, từ đó sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.
- Nghe nói mới đây ông có đúc kết “các vần ệ” khá hay?
- " 7 vần ệ " với tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam: Trí tuệ, Tiền tệ, Công nghệ, Luật lệ, Đồ đệ, Mặc kệ. Trong đó, Trí tuệ là hàng đầu và đôi khi phải biết “Mặc kệ”, vì xã hội phức tạp mà chúng ta chưa phải là người toàn diện, tròn trịa nên không thể nhìn thấy cái gì cũng lao vào, nghe thấy cái gì cũng muốn can thiệp.
Nhưng nếu đã thấy chắc chắn tới 99% phải biết quyết định và làm quyết liệt mặc kệ sự dèm pha.
- Xin cảm ơn ông.