TS Cấn Văn Lực lý giải hiện tượng dòng tiền 'luẩn quẩn' trong ngân hàng

(ĐTTCO) - Thực ra lượng tiền đang tồn trong các ngân hàng đã có địa chỉ, tức là đang chờ giải ngân cho các dự án nhưng không thể sử dụng vào những mục đích khác.

Lễ khởi công công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án metro số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương với kinh phí hơn 2 tỷ USD.
Lễ khởi công công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án metro số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương với kinh phí hơn 2 tỷ USD.

Báo ĐTTC số ra ngày 19-6 có bài “Dòng tiền luẩn quẩn từ TPCP vào kho bạc, vô nhà băng…”, đã nhận được nhiều ý kiến về vấn đề này với nhiều nguyên nhân. TS Cấn Văn Lực đã có cuộc trao đổi với ĐTTC về tình trạng này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) với mục đích là huy động vốn tổ chức và cá nhân để đầu tư vào nền kinh tế, nhưng vì sao lại lấy tiền đem gửi ngân hàng, ngân hàng dùng tiền để mua TPCP, điều này tạo thành vòng luẩn quẩn của dòng tiền?

TS. CẤN VĂN LỰC: - Hiện nay các NHTM tăng mua TPCP có thể xem vừa là yếu tố bắt buộc, đồng thời cũng vừa giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi của họ. Sở dĩ nói bắt buộc bởi hệ thống ngân hàng phải giữ một số lượng tài sản có khả năng thanh khoản cao để quản lý rủi ro thanh khoản, đây là điều rất quan trọng đối với một nhà băng.

Và để đẩy dòng tiền đi, các ngân hàng hiện nay cũng chỉ có 3 cách: đầu tư vào TPCP, cho vay đầu tư và cho chính các ngân hàng vay để hỗ trợ thanh khoản lẫn nhau.

Theo tôi, các tổ chức tín dụng này đương nhiên họ biết làm gì để vừa hiệu quả và vừa an toàn. Bởi ở đây còn là sức ép nữa. Đó là theo quy định của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng phải đảm bảo thanh khoản để an toàn, tức phải có một lượng tài sản có thanh khoản tốt (chiếm khoảng từ 10-20%, tùy vào thời hạn). Nếu nhà băng không mua sẽ bị NHNN xử lý ngay.

- Được biết, hiện nay có khoảng 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ của các hạng mục như đầu tư công, cải cách tiền lương, đầu tư xây dựng cơ bản… vẫn đang tồn đọng trong các ngân hàng dưới hình thức gửi để lấy lãi, thay vì chảy vào nền kinh tế phục vụ đầu tư, sản xuất. Điều này có khiến kinh tế mất đi động lực tăng trưởng, thưa ông?

Sở dĩ dòng tiền ngân quỹ dùng cho chi đầu tư công hiện nay đang bị “kẹt” lại ở các ngân hàng bởi vướng phải “điểm nghẽn” trong Luật Đầu tư công. Vướng mắc đó được ví như câu chuyện “con gà - quả trứng”.

- Tôi cho rằng tiền vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng không hẳn là quá xấu. Hay nói đúng hơn là do cách tiếp cận của chúng ta về số tiền đó như thế nào mà thôi.

Bởi về bản chất, đó là lượng tiền chưa giải ngân đầu tư công, nhưng để chờ giải ngân cho dự án nào đó thì bắt buộc vẫn phải có một lượng tiền sẵn có.

Đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam, khi triển khai muốn giải ngân cần có tiền ngay. Tất nhiên, về nguyên tắc thì để lượng tiền nằm trong các ngân hàng, hay nói đúng hơn là lượng dư vốn đầu tư công càng ít càng tốt.

Ở đây tôi muốn nói thêm, thực ra lượng tiền đang tồn trong các ngân hàng nói trên là đã có địa chỉ, tức là đang chờ giải ngân cho các dự án và chúng ta không thể sử dụng nó để đi tiêu vào những mục đích khác được.

- Vậy theo ông nguyên nhân của sự chậm trễ, hay đúng hơn là “điểm nghẽn” khiến dòng tiền không thể chảy đến các dự án đầu tư công nhanh hơn do đâu?

- Sở dĩ dòng tiền ngân quỹ dùng cho chi đầu tư công hiện nay đang bị “kẹt” lại ở các ngân hàng bởi vướng phải “điểm nghẽn” trong Luật Đầu tư công. Vướng mắc đó được ví như câu chuyện “con gà - quả trứng”. Một mặt, Luật Đầu tư công yêu cầu phải có tiền mới lập dự án, bởi khi lập dự án xong nhưng tiền không có thì dự án đấy không khả thi. Nhưng mặt khác, khi đã có tiền rồi mới lập và triển khai dự án, lại dẫn đến chậm trễ - như tình trạng tiền tồn đọng trong các nhà băng đề cập ở trên.

Do vậy quan điểm của tôi đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đó là chúng ta phải rà soát, sửa đổi một số quy định trong Luật Đầu tư công cho phù hợp hơn. Đơn cử nên bổ sung thêm quy định cùng song song thực hiện hai nhiệm vụ cùng lúc, đó là khi chuẩn bị xây dựng kế hoạch cho dự án cũng phải xây dựng kế hoạch tài chính, chuẩn bị tiền cho dự án đó, chứ không nên quy định cứng bắt buộc phải có tiền rồi mới lập dự án, bởi khi đó sẽ bị chậm.

Bên cạnh đó, nguyên nhân của sự “nghẽn” nói trên còn do chính các bộ, ngành, địa phương khi lập dự án đầu tư công chưa chuẩn. Thực tế, quá trình chuẩn bị các dự án đầu tư công rất quan trọng, đòi hỏi các địa phương phải làm tốt hơn nữa. Hiện nay có nhiều địa phương vẫn lập dự án để đấy, còn thực chất chưa có gì, phải bổ sung, điều chỉnh, quy hoạch lại…Đây là điều chính các địa phương phải rút kinh nghiệm.

Còn những vướng mắc khác liên quan đến các khâu như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bố trí nguyên vật liệu… Chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo rất quyết liệt rồi. Từ đầu năm đến nay vốn đầu tư công giải ngân cũng tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, số tuyệt đối tăng khoảng 40.000 tỷ đồng. Xét về tổng thể vẫn chậm, nhưng rõ ràng đã có sự tiến triển.

Ngoài ra, chúng ta còn phải xét đến một đặc điểm nữa đó là đầu tư công có tính “thời vụ”. Đầu năm thường là lúc chuẩn bị hồ sơ, dự án, phải đến các tháng cuối năm như rơi vào thời điểm quý III, IV mới bắt đầu giải ngân. Đây cũng chính là thời điểm lượng tiền được cho là tồn đọng đang nằm trong các ngân hàng mới cần phải dùng đến.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác