PHÓNG VIÊN: - Theo ông, việc thay đổi quy định giới hạn cấp tín dụng nếu được thông qua sẽ tác động như thế nào đến hoạt động tín dụng tại các ngân hàng (NH) hiện nay?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Liên quan đến giới hạn cấp tín dụng, Khoản 1 Điều 126 trong Dự thảo Luật sửa đổi Khoản 1 Điều 128 trong Luật Các TCTD 2010. Cụ thể, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng cá nhân được điều chỉnh giảm về mức 10% vốn tự có, so với mức 15% trong luật hiện hành. Đồng thời, giới hạn cấp tín dụng đối với một nhóm khách hàng liên quan được điều chỉnh giảm về mức 15% vốn tự có, so với mức 25% như hiện nay.
Đây là thay đổi rất đáng quan tâm nếu tham khảo các giới hạn cấp tín dụng thông lệ ở các quốc gia khác, thường 15-20% đối với khách hàng cá nhân và 20-25% đối với nhóm khách hàng liên quan. Việc siết chặt giới hạn cấp tín dụng qua Dự thảo Luật hiện tại, nếu có hiệu lực sẽ có tác động nhiều mặt lên hoạt động tín dụng của hệ thống NH ở Việt Nam, với mức độ tác động khác nhau tùy thuộc vào các nhóm NH khác nhau.
Song về cơ bản, nhóm NHTM trong nước ít chịu tác động từ việc điều chỉnh này so với nhóm NH có vốn nước ngoài tại Việt Nam. Lý do nằm ở cơ cấu khách hàng và quy mô vốn tự có. Phần vốn tự có của các NH có vốn nước ngoài hoặc chi nhánh NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, thường quy mô vốn nhỏ hơn tương đối so với nhóm NH nội địa mạnh trong nước.
Khách hàng của nhóm NH nước ngoài lại chủ yếu là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thường có nhu cầu vay vốn lớn, có mối quan hệ tín dụng trực tiếp gắn kết với các NH có vốn nước ngoài. Chính vì vậy sẽ khiến độ nhạy phản ứng của nhóm NH nước ngoài cao hơn nhiều, đặc biệt với mức điều chỉnh đối với nhóm khách hàng liên quan từ 25% về 15% là rất lớn.
- Vậy sự điều chỉnh này có hàm ý gì về việc quản lý hoạt động tín dụng từ góc độ chính sách, thưa ông?
- Giới hạn cấp tín dụng cho vay về bản chất là công cụ của chính sách tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, so với công cụ lãi suất, công cụ giới hạn cấp tín dụng thiếu tính chất thị trường. Áp trần tín dụng cho vay ở nhiều quốc gia không quá lớn nhưng có độ mở kinh tế, nhằm kiểm soát các vấn đề về tăng trưởng tín dụng, lạm phát và cán cân thanh toán khi thị trường tài chính đang giai đoạn tăng trưởng cao.
Kinh nghiệm chung ở các nước là tiến tới nới lỏng hoặc xóa bỏ trần tín dụng. Bởi lẽ, hiệu quả của trần tín dụng chỉ phát huy trong ngắn hạn hoặc giai đoạn đầu. Về dài hạn việc áp trần tín dụng sẽ giảm tính cạnh tranh NH và hiệu quả phân bổ vốn trong nền kinh tế, đặc biệt khi thị trường tài chính phát triển cao.
Điều lưu ý trong Dự thảo Luật đang lấy ý kiến, là phần điều chỉnh giới hạn cấp tín dụng chỉ là ở góc độ mức tối đa một cá nhân hoặc nhóm khách hàng được NH cho vay. Nói cách khác, sửa đổi này nhằm giảm sự tập trung tín dụng vào bên đi vay. Về cơ bản, điều này có thể tích cực cho vấn đề quản trị rủi ro tín dụng của hệ thống NH.
Tuy nhiên, khía cạnh cầu tín dụng ngắn hạn từ các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là doanh nghiệp đang sử dụng nguồn đi vay lớn từ NH. Điều đáng nói, các mức điều chỉnh về 10% với cá nhân khách hàng và 15% với nhóm khách hàng liên quan thấp hơn nhiều so với các mức quy định liên quan hiện nay ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan và Singapore.
Như đã nói, sự điều chỉnh này nếu có hiệu lực sẽ tác động đến nhóm NH có vốn nước ngoài và doanh nghiệp FDI. Theo đó, việc thắt chặt trần cấp tín dụng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nhóm NH nước ngoài so với nhóm NH trong nước vốn có lợi thế về quy mô cho vay nội địa. Trong khi nhu cầu vay của doanh nghiệp FDI lớn và đa số có mối quan hệ tín dụng chủ đạo với các NH nước ngoài. Việc giảm trần tín dụng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, do chưa thiết lập các tiêu chuẩn tín dụng tốt với các NH trong nước.
Điều này nhìn chung phần nào làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong con mắt NH quốc tế và doanh nghiệp FDI. Tuy vậy, điều ngược lại cũng có thể đúng, nếu các điều kiện thị trường Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn, NH có vốn nước ngoài hoặc chi nhánh NH nước ngoài có thể rót thêm vốn, hay gia tăng vốn tự có nhằm đảm bảo duy trì mối quan hệ tín dụng hiện có với các khách hàng của mình.
- Dự thảo Luật Các TCTD tập trung vào những nhóm mục tiêu nhất định, phải chăng đã phản ánh sự thay đổi trong thị trường tín dụng Việt Nam?
- Những sửa đổi trong Dự thảo Luật Các TCTD tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề liên quan đến quản trị rủi ro tín dụng, như tổ chức quản trị, tỷ lệ sở hữu, bảo đảm an toàn và quy trình cho các bối cảnh rủi ro cao. Do đặc thù thị trường tài chính Việt Nam chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, nên sự điều chỉnh đề xuất tập trung vào vai trò truyền dẫn tác động của hệ thống NHTM.
Nhóm các tổ chức tài chính phi NH chưa nhận được sự quan tâm điều chỉnh ở Dự thảo Luật lần này. Dù vậy, vai trò của nhóm trung gian tài chính phi NH có thể sẽ ngày càng quan trọng hơn, khi hạ tầng thị trường tài chính phát triển đa dạng hơn.
Thí dụ rõ nhất là khuynh hướng chuyển giao số sẽ đưa đến sự nổi lên tất yếu của tín dụng số, mà hiện nay một số hình ảnh công ty đã được định hình trong công chúng. Các chức năng chính của hệ thống tài chính NH, trong đó có tín dụng cho vay, hiện chủ yếu vẫn được đảm trách thông qua các dịch vụ NH.
Hy vọng trong thời gian tới, các khuôn khổ thử nghiệm chính sách liên quan đến tín dụng số sẽ được thúc đẩy, nhằm đưa đến các điều tiết trong khu vực phi NH và nhóm các công ty công nghệ tài chính (fintech). Nhu cầu đó có thể bức thiết, khi thời gian qua chứng kiến các rủi ro lừa đảo trong khu vực này liên quan đến tín dụng phi chính thức của nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.
Sửa đổi giới hạn cấp tín dụng nhằm giảm sự tập trung tín dụng vào bên đi vay, có thể tích cực cho quản trị rủi ro tín dụng của hệ thống NH trong nước, nhưng sẽ phản ứng chính sách với NH nước ngoài.