PHÓNG VIÊN: - Việc Quốc hội thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, theo ông có trở thành cú hích cho ngành du lịch?
Ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC: - Về lý thuyết đây là một thông tin tích cực, nhưng thực tế có thể trở thành cú hích giúp tăng lượng khách đến Việt Nam hay không thì cần thêm thời gian. Bởi visa chắc chắn không phải cây đũa thần trong thu hút khách, cái quan trọng nhất để thu hút du khách là năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến, vì không có du khách nào chọn đi du lịch chỉ vì chính sách visa thông thoáng.
Thực tế nếu so với các nước trong khu vực, việc nới lỏng chính sách visa của Việt Nam không phải lợi thế cạnh tranh, vì các nước đã làm điều này trước và còn mở rộng cho nhiều nước. Chúng ta không phải đất nước bí ẩn mà khi “cánh cửa visa” rộng mở là sẽ hút khách ngay lập tức. Khi chọn lựa giữa các quốc gia trong khu vực, khách sẽ chọn những điểm đến hấp dẫn, có sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu. Cho đến nay, các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam cũng còn yếu thế trong cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Singapore…
Đâu đó vẫn còn hiện tượng nói nhiều hơn làm. Ví như thời điểm thị trường Trung Quốc chưa mở cửa, chúng ta nói rất nhiều đến tiềm năng của thị trường khách Ấn Độ, nhưng cho đến nay chưa có những giải pháp hiệu quả để thu hút được nguồn khách này. Có thể thấy các cơ quan liên quan đã tích cực hỗ trợ cho ngành du lịch mà việc nới lỏng chính sách visa này là một thí dụ, do vậy việc tiếp theo chính là của ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp du lịch.
Gỡ rào cản visa là điều kiện cần để tăng khả năng tiếp cận du khách, còn làm như thế nào để đưa khách đến Việt Nam, lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn sẽ là những bài toán tiếp theo cần giải.
- Nói về khách Trung Quốc mà chúng ta kỳ vọng rất nhiều, nhưng cho đến nay lượng khách từ thị trường này vẫn còn rất yếu. Ông có phân tích nào về vấn đề này?
- Thị trường khách Trung Quốc vốn là thị trường có quy mô lớn, nên khi họ mở cửa sau dịch không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước đều kỳ vọng. Tuy nhiên, là quốc gia có những biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh trong thời gian dài, thì du khách ở đây cũng cần có thời gian để phục hồi trở lại. Họ cũng sẽ đi theo xu hướng phát triển du lịch nội địa trước rồi du lịch nước ngoài sau.
Tôi nghĩ rằng quý III và quý IV năm nay, thị trường khách Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên Việt Nam có thể sẽ vẫn bị ảnh hưởng, vì theo một vài nghiên cứu xu hướng lựa chọn điểm đến của du khách Trung Quốc sau dịch đã có những thay đổi. Và Việt Nam có nguy cơ rớt khỏi top những thị trường ưu tiên của khách Trung Quốc.
Trong khi đó có những quốc gia trước đây ít được lựa chọn nay lại lọt vào danh sách như Indonesia. Nếu xét theo góc độ nghiên cứu thị trường điều này không có gì lạ, thị trường nào có tăng thì sẽ có giảm.
Theo quan điểm của tôi, thời gian tới thị trường Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung vẫn là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, vì nguồn khách từ Tây Âu hay Bắc Mỹ sẽ khó có tăng trưởng mạnh, nguyên nhân đầu tiên là nguồn khách này đang trong xu thế tiết kiệm chi phí trước nhiều biến động của tình hình kinh tế thế giới. Hơn nữa để khai thác hiệu quả nguồn khách châu Á, chúng ta cần có những chiến lược bài bản hơn, những giải pháp mang tính đột phá hơn để đánh vào nhu cầu của từng thị trường.
Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia là một quốc gia rất tiềm năng. Theo thống kê, Malaysia là thị trường khách inbound lớn nhất của Thái Lan và Indonesia, nằm trong top 3 thị trường nguồn lớn nhất của Singapore và đứng vị trí thứ 7 tại Việt Nam trong quý I năm nay. Song đến nay sản phẩm, dịch vụ du lịch, các chương trình dành riêng cho thị trường khách Malaysia của chúng ta chưa xuất hiện nhiều.
Tại sao chúng ta không tham khảo cách làm của một số quốc gia trong khu vực trong việc thu hút khách quay lại? Chẳng hạn Hồng Kông là một thí dụ, để hút khách quay lại họ đã từng tung ra chiến dịch miễn phí vé máy bay cho du khách nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
- Thời gian qua du lịch Việt Nam luôn nằm trong top tăng trưởng về lượng tìm kiếm của du khách, nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch cũng chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng… Theo ông đây có phải là những tín hiệu tích cực cho du lịch Việt Nam?
- Gần đây những thông tin như: lượng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ công cụ tìm kiếm Google liên tục tăng trong top đầu thế giới được nói đến khá nhiều, tuy nhiên việc khách tìm kiếm thông tin không có nghĩa là họ sẽ đến Việt Nam. Các dữ liệu chỉ mang ý nghĩa tham khảo, và các tổ chức công bố dữ liệu đôi khi cũng là để phục vụ một phần cho mục tiêu khác của họ như kinh doanh chẳng hạn.
Tương tự nhiều chuyên trang du lịch cũng đưa Việt Nam hay các điểm đến tại Việt Nam vào danh sách những điểm đến lý tưởng, thế nhưng từ những kết quả đó có thể chuyển đổi thành tăng trưởng lượng khách đến Việt Nam hay không mới là quan trọng nhất. Số liệu có thể làm cho chúng ta hài lòng nhưng thực tế tăng trưởng lượng khách và doanh thu mới cho thấy chúng ta làm có hiệu quả hay không.
Tôi cho rằng, sự phục hồi của du lịch Việt Nam thời gian này cũng đã có những kết quả nhất định. Song chúng ta cần thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng. Cần tăng cường tiếp cận trực tiếp đến du khách chứ không chỉ thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá ở hội chợ, thông qua các doanh nghiệp theo hình thức B2B.
Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại, chúng ta cũng còn bị ràng buộc bởi một số quy định khiến không ít cán bộ sợ làm sai nên thay vì đổi mới thì làm theo cách truyền thống vẫn an toàn hơn.
- Xin cảm ơn ông.
Chúng ta không phải đất nước bí ẩn mà khi “cánh cửa visa” rộng mở là sẽ hút khách ngay lập tức. Khi chọn lựa giữa các quốc gia trong khu vực, khách sẽ chọn những điểm đến hấp dẫn, có sản phẩm, dịch vụ phù hợp, trong khi Việt Nam cũng còn yếu thế trong cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Singapore…