Có nên 'hãnh diện' với con số xuất siêu gần 27 tỷ USD?

(ĐTTCO) - Khép lại năm 2023 là tin xuất siêu kỷ lục, gấp hơn 2 lần năm 2022 và nối dài mạch xuất siêu 8 năm (2016-2023), rằng xuất siêu góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Có nên 'hãnh diện' với con số xuất siêu gần 27 tỷ USD?

Quả thế, 2023 xuất siêu 26,9 tỷ USD, năm thứ 8 liên tiếp, gấp 2,2 lần năm 2022 (12,1 tỷ USD), nhưng…

Trị giá xuất siêu nói trên là kết quả các phép tính giản đơn từ xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) của 2 khối doanh nghiệp (DN) hợp thành XNK của Việt Nam. Năm 2023, khối DN trong nước XK 95,1 tỷ USD nhưng NK 117 tỷ USD, tức nhập siêu 21,9 tỷ USD.

Còn khối DN đầu tư nước ngoài (FDI) XK 258,8 tỷ USD, NK 210 tỷ USD, tức xuất siêu 48,8 tỷ USD. Lấy 48,8 tỷ USD trừ 21,9 tỷ USD cho kết quả 26,9 tỷ USD. Đây là hiệu số của phép trừ (–), xuất siêu lớn do DN FDI tạo ra chỉ bù cho nhập siêu của DN trong nước về con số, còn nội hàm thì không.

Đây không phải là hiện tượng của năm 2023 mà lâu nay đã thế và còn thế. Có điều khác, nếu 7 năm trước (2016-2022) XK và NK đều tăng nên xuất siêu nghe thuận tai. Song năm 2023, tổng kim ngạch XNK giảm so với 2022, nhưng vẫn xuất siêu, lại còn “nhảy vọt”, thấy không thuận tai lắm. Bởi do NK giảm sâu (9%) so với mức giảm của XK (4,8%), nên có thể gọi là xuất siêu “cưỡng bức” do NK “tự lui quân”.

Bản chất của xuất siêu năm 2023 là vậy. Nên không thể kết nối giữa XK và NK trên một thị trường, được bộc lộ qua 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Đầu tiên là Mỹ, số 1 về xuất siêu, không thể dùng thặng dư đó để NK thiết bị, vật tư, phụ tùng, nguyên liệu cao cấp từ Mỹ. Nên cân bằng thương mại với Mỹ là không tưởng.

Trung Quốc cũng số 1 nhưng về nhập siêu, nhưng không thể ép phía đối tác phải nhập tương ứng trị giá ta nhập siêu. Cân đối thương mại với Trung Quốc cũng là điều không tưởng. Cũng từ bản chất đó đã giải mã “hiện tượng” Bắc Ninh - tỉnh nhỏ nhất nước song XK và xuất siêu luôn trong top đứng đầu cả nước. Nhưng khốn nỗi tuyệt đại kim ngạch là do DN FDI trên địa bàn làm ra.

Có thể thấy hệ lụy của vấn nạn từ NK ảnh hưởng đến XK một số mặt hàng chủ lực. XK gỗ và sản phẩm gỗ giảm 16,5% do NK gỗ nguyên liệu giảm 27,8%. XK của các mặt hàng xơ sợi, dệt may, giày dép, điện tử, điện thoại, điện quang… đều do giảm NK nguyên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện… gia công, lắp ráp ra nó. Nhóm nông lâm thủy sản là điểm sáng của XK năm 2023, song XK thủy sản lại sụt 17,8% có phần do NK thủy sản nguyên liệu giảm 4,1%.

Năm 2023, trong hoàn cảnh nhóm cần NK giảm 8,4% thì NK các mặt hàng cần kiểm soát lại tăng 11,3%. Rau quả XK 5,6 tỷ USD, tăng 65,9% so với năm 2022, nhưng lại NK 1,9 tỷ USD.

Năm 2023 chào đón nhiều mẫu ôtô từ phổ thông đến hạng sang, phiên bản mới lần đầu ra mắt người sành điệu, nhưng xe ngoại, kể cả xe siêu sang vẫn nối đuôi bò vào. Hàng mỹ phẩm… ngốn cả tỷ USD, hơn năm 2022. Nhóm hàng hóa khác gồm các thứ vặt vãnh, chỉ để tiêu dùng NK cũng tới 18,7 tỷ USD, tăng 33,2% so với 2022.

Như vậy, bức tranh Việt Nam xuất siêu, liên tục xuất siêu được tác thành từ 2 mảnh ghép chưa bao giờ kết dính với nhau, đó là khối DN FDI xuất siêu và liên tục xuất siêu và khối DN Việt Nam nhập siêu cũng liên tục… nhập siêu.

Điều có vẻ vô lý nhưng là thật, đang thật và còn thật, bởi kinh tế nước nhà vẫn phụ thuộc vào nước ngoài, tăng trưởng của XNK phụ thuộc vào khu vực FDI, phải NK toàn diện không chỉ cho sản xuất công nghiệp mà cả cho sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản và hàng tiêu dùng.

XK vẫn dựa trên lao động giản đơn, bòn rút tài nguyên và sản xuất chỉ là gia công, lắp ráp, nên XK có một phần không nhỏ là XK hộ… nước ngoài.

NK chưa được kiểm soát đúng định hướng. XNK vượt 500, 600 rồi 700 tỷ USD, song đừng quên trong năm 2023 XK của khối DN Việt Nam vẫn chưa tới 100 tỷ USD.

Xuất siêu trong mông lung đó, hẳn khó có thể dùng làm con số để có thể “hãnh diện”.

Các tin khác