EVFTA mở ra cơ hội đầu tư, cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu

(ĐTTCO)-Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, EVFTA cũng là một yếu tố để các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lựa chọn Việt Nam như một điểm đến đầu tư, cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu của họ.
Doanh nghiệp đầu tư công nghệ đón đầu các hiệp định thương mại mới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Doanh nghiệp đầu tư công nghệ đón đầu các hiệp định thương mại mới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/8/2020) đã mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai đối tác.

Đặc biệt, với việc phê chuẩn Hiệp định này, Liên minh châu Âu, một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, đã chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam và quyết tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Để tận dụng tối đa những ưu thế mà hiệp định EVFTA mang lại, chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Đình Cùng đã có một số trao đổi với phóng viên về việc thực hiện hiệp định trên.

- Trong lộ trình 10 năm đàm phán cam kết loại bỏ các dòng thuế và cụ thể Việt Nam đã cùng EU thống nhất loại bỏ hơn 99% tất cả các loại thuế quan giữa hai bên… Theo ông, điều đó sẽ mở ra cơ hội như thế nào cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vào EU?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Cũng như bất cứ một hiệp định thương mại nào khác thì đối với hiệp định EVFTA, hai bên cam kết mở cửa thị trường cho nhau và rõ ràng ở đây mức độ giảm thuế và tiến dần đến việc bãi bỏ và áp dụng thuế bằng 0% đối với gần như tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU chứng tỏ phía EU đã cam kết mở cửa thị trường thực sự đối với Việt Nam.

Còn với Việt Nam, do mức độ cạnh tranh đối với EU vẫn còn ở mức thấp hơn cho nên chúng ta có một khoảng thời gian để mở cửa từng bước. Ở mức độ như thế, sẽ tạo ra một vị thế cạnh tranh công bằng hơn đối với doanh nghiệp Việt Nam, song tôi cho rằng đấy là những cơ hội.

Ngoài ra, EU hiện nay đã và vẫn là bạn hàng lớn, đứng thứ 2 về mặt xuất khẩu của Việt Nam; trong khi về mặt nhập khẩu, EU chưa phải là bạn hàng thuộc top nhiều nhất, lớn nhất của chúng ta.

Bên cạnh đó, đầu tư của EU vào Việt Nam dù chưa bằng nhiều nước châu Á, somg tôi kỳ vọng rằng ngoài việc hàng hóa của chúng ta thâm nhập nhiều hơn vào thị trường EU thì thông qua hiệp định này, Việt Nam sẽ nhập khẩu được nhiều hơn các loại vật tư máy móc thiết bị, đặc biệt là các loại công nghệ nguồn và cùng với đó là đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ nhiều hơn.

Rõ ràng việc thực thi hiệp định này thì các cam kết một cách toàn diện với một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới không chỉ là đầu tư thương mại mà rất nhiều những cam kết khác liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, thương mại bền vững.. tất cả những cam kết đó nó vừa là sức ép, vừa là động lực thúc đẩy cho chúng ta cải cách mạnh mẽ hơn ở trong nước.

Theo tôi, đó là điều sẽ tạo ra cơ hội nhiều hơn cho tất cả chúng ta, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, tất cả những điều mà tôi nói ở trên chỉ chủ yếu là cơ hội. Vấn đề ở chỗ là cơ hội đó mình có tận dụng được tối đa hay không? đấy là câu hỏi thứ nhất. Câu hỏi thứ hai, đặt vấn đề là “ai sẽ tận dụng được cơ hội đó”? và đây cũng là yếu tố phải tính đến.

- Vậy để đón đầu các cơ hội, về góc độ vĩ mô chúng ta cần phải làm gì để có thể tận dụng được tối đa hiệp định này, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Nếu xét về Việt Nam như một quốc gia thì chúng ta tận dụng rất tốt các cơ hội trong các hiệp định tự do thương mại, rõ ràng nhất là tốc độ kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong nhiều năm ở 2 con số.

Tuy nhiên, nếu xét ai tận dụng được thì phải nói trước hết là nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tận dụng tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp nội.

Ở góc độ vĩ mô, điều quan trọng nhất của chúng ta chính là cải cách thể chế. Quan trọng hơn, việc cải cách thể chế lần này không phải là cải cách thể chế để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định như trước đây chúng ta đã làm khi gia nhập WTO mà cải cách thể chế để làm sao đáp ứng, thúc đẩy được sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Trong hiệp định này có rất nhiều điều khoản mà rõ ràng là nếu chúng ta có hàng hóa, mà hàng hóa đó không được sản xuất với một phương thức thân thiện với môi trường, có trách nhiệm xã hội, sử dụng lao động đạt tiêu chuẩn quốc tế thì chúng ta cũng khó xuất khẩu sang thị trường EU được.

Do đó, cách thức tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp cần phải thay đổi. Song các ngành, các địa phương phải trực tiếp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để họ thay đổi nhận thức, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, đáp ứng được những yêu cầu của thị trường mà chúng ta đã mở cửa thì từ đó mới có thể tận dụng được các cơ hội mà hiệp định mang lại.

Điều này, theo tôi là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, từ trung ương cho đến địa phương, các hiệp hội cho đến doanh nghiệp phải vào cuộc thì mới có thể hiện thực hóa được các cơ hội đó.

- Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua cho thấy việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng là vấn đề hết sức cấp thiết. Vậy việc đạt được một hiệp định thương mại tự do như EVFTA, theo quan điểm của ông, có vai trò quan trọng như thế nào đối với các doanh nghiệp?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Rõ ràng, hiện nay tác động của dịch COVID-19 là tác động toàn cầu, thậm chí ở những nước phát triển những tác động còn mạnh hơn. Qua thực tế thời gian dịch bệnh cho thấy tổng cầu giảm, do đó ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu, dẫn đến giảm đầu tư ra nước ngoài, hay cấu trúc lại rất nhiều lĩnh vực khác ở trong nội bộ của các nước.

Chính vì vậy xét về ngắn hạn, theo tôi dịch bệnh nếu chưa được kiểm soát ở các nước thì không có sự tăng trưởng xuất khẩu như chúng ta kỳ vọng như trước khi có COVID-19.

Tuy nhiên, tôi nhìn thấy ít nhất trong ngắn hạn có thể có được những cơ hội, theo đó tuy cầu giảm nhưng nhu cầu về mặt hàng thiết yếu gia tăng. Do vậy, những mặt hàng nông sản thực phẩm nếu chúng ta có được một phương thức sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường thì tôi cho rằng cầu về những mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng…

Hiện nay, rõ ràng các doanh nghiệp đang cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác quan trọng, trong đó có EU. Đó cũng là một yếu tố để các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lựa chọn Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu của họ.

- Xin cảm ơn ông.

Bộ Công Thương cho biết ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).

Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Các tin khác