PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có những điểm đột phá nào trong lĩnh vực đất đai?
Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: - Trên tinh thần thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW về hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND TP các giải pháp về đất đai trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, bao gồm 8 cơ chế chính sách về đất đai và 1 cơ chế chính sách về môi trường.
Đây là những nội dung quan trọng và mang tính đột phá, nhằm tạo cơ chế và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, dù là những nội dung thí điểm nhưng cũng là những điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến. Bộ TN-MT, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng ủng hộ TPHCM trong việc thí điểm này.
Theo đó, có một số đề xuất quan trọng ảnh hưởng đến chính sách đất đai của TP. Thứ nhất, cho phép HĐND TPHCM được thông qua ban hành hệ số điều chỉnh giá đất đối với những trường hợp Nhà nước đã cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Cơ chế này sẽ rút ngắn thời gian xác định giá đất.
Thứ hai, cho phép một số trường hợp thu hồi đất hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được bồi thường bằng tiền, hoặc đất khác theo quy định. Tạo cơ chế hoán đổi đất trong công tác bồi thường.
Thứ ba, cho phép tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được phép chuyển nhượng, mua bán, thế chấp theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18.
Thứ tư, chủ đầu tư mua tài sản phát mãi là quyền sử dụng đất nông nghiệp từ các tổ chức tài chính, tín dụng, tòa án, thi hành án, thừa phát lại để thực hiện dự án phi nông nghiệp, nhưng chưa thực hiện các thủ tục để Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà đã hết thời hạn sử dụng đất; hoặc chủ đầu tư các dự án đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp và đang thực hiện các thủ tục để Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng đã hết thời hạn sử dụng đất, sẽ được gia hạn sử dụng đất đến hết ngày 30-6- 2024.
Thứ năm, cho phép TP đẩy nhanh tiến độ bằng cách cho thực hiện đo đạc, khảo sát các diện tích đất khi có thông báo thu hồi đất. Việc này nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ bồi thường, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP. Việc cho phép TPHCM thí điểm thực hiện trước đối với chính sách trên giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách TP nói riêng.
- Thưa ông dự thảo nghị quyết thay thế có đề cập đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, sẽ đem lại những lợi ích gì cho sự phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM trong thời gian tới?
- Việc chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa, giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho TP.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, HĐND TP đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa, với tổng diện tích gần 1.844ha. Vì vậy TP đề xuất tiếp tục kế thừa cơ chế, chính sách vào trong dự thảo nghị quyết mới; đồng thời đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với Luật Đầu tư 2020 (Khoản 2 Điều 30), quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên.
- Vậy việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thường gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì?
- Hiện nay, tổ chức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, nếu hết thời hạn được gia hạn và phải chuyển sang thuê đất (Khoản 29 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP). Đối với tổ chức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, nếu hết thời hạn sử dụng, pháp luật không quy định việc gia hạn.
Trường hợp chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, nhưng chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng đất (chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất), thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đã hết.
Việc không có quy định dẫn tới lúng túng trong giải quyết thủ tục đất. Trong đó, việc không gia hạn gây tác động tiêu cực đến thực hiện các thủ tục hành chính, khó khăn cho cơ quan nhà nước giải quyết các thủ tục đất đai, cả đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của người sử dụng đất hợp pháp.
- Nói như vậy khi nghị quyết thay thế được thông qua, TPHCM sẽ có quyền tự quyết nhiều hơn trong lĩnh vực đất đai. Vậy việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng thế nào đến cơ chế quản lý của Sở TN-MT?
- Sở TN-MT sẽ chủ động giao các phòng ban đơn vị trực thuộc rà soát các trình tự thủ tục để đề xuất sửa đổi bổ sung (nếu có), khi triển khai thực hiện các nội dung nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sau khi được ban hành.
Được sự đồng tình ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan, các tổ chức chính trị và tổ chức liên quan, là thuận lợi khi triển khai nghị quyết mới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần được kiểm chứng qua thực tế với những vướng mắc chưa thể lường được, để tiếp tục hoàn thiện, đem lại hiệu quả ổn định phát triển cho TP. Vì vậy, chúng tôi sẽ chủ động hoàn thiện các trình tự thủ tục đang thực hiện; đề xuất UBND và HĐND TP ban hành các quy định, thủ tục theo quy định.
- Xin cảm ơn ông.
Việc cho phép TPHCM thí điểm thực hiện trước đối với chính sách về quản lý và sử dụng đất đai, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách TP nói riêng.