TS Nguyễn Trí Hiếu: Không nên 'gấp gáp' bơm vốn bằng mọi giá

(ĐTTCO) - NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%, và cũng cấp hết hạn mức (room) tín dụng cho các NH ngay từ đầu năm để các NH rộng cửa cho vay. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2024 tín dụng tăng trưởng âm. Đây có phải là hiện tượng bất thường?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Không nên 'gấp gáp' bơm vốn bằng mọi giá

Thông thường vào cuối năm, NH sẽ vay nhiều, đầu năm thường nhu cầu giảm đi, khiến tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm thấp hơn. Tuy nhiên, ở đây tăng trưởng âm có hai vấn đề đặt ra.

Thứ nhất, tháng 12-2023, tín dụng bứt tốc với mức tăng 4,56%, nhưng tháng 1-2024 âm 0,6%, tháng 2 có hồi phục nhẹ nhưng tổng thể 2 tháng vẫn âm. Chênh lệch về mức tăng đó đặt ra câu hỏi: cầu vốn trong nền kinh tế đầu năm 2024 giảm mạnh, hay tăng trưởng tín dụng cuối năm 2023 chỉ là con số chạy chỉ tiêu làm tăng trưởng ảo?

Thứ hai, xuất nhập khẩu tăng trong 2 tháng đầu năm. Theo lệ thường, xuất nhập khẩu tăng, tín dụng tài trợ thương mại cũng sẽ tăng lên, nhưng tín dụng lại âm. Xuất khẩu tăng lâu nay vẫn do doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài dẫn dắt. Vậy tức DN xuất khẩu trong nước vẫn chưa có nhiều đơn hàng nên nhu cầu vay vốn yếu đi, dẫn đến kết quả tín dụng 2 tháng vừa không khả quan?

Hiện chưa có số liệu về tăng trưởng kinh tế, vì chỉ số này công bố theo quý, nhưng có thể đoán rằng nền kinh tế vẫn còn tăng trưởng chậm trong 2 tháng đầu năm. Số DN rút lui khỏi thị trường 2 tháng qua lên đến 63.000 DN, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chính phủ cũng vừa ban hành Công điện yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, và NHNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, vẫn phải chờ xem những tháng tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam như thế nào để có bước đi phù hợp.

Tâm lý gấp gáp bơm vốn tín dụng cho DN, cho nền kinh tế khá rõ rệt, nhưng cần tính toán. Nếu bơm mạnh vốn vào nền kinh tế trong khi nền kinh tế không hấp thụ nổi, sẽ tạo ra lạm phát. Hơn nữa, không thể nào thúc đẩy các NH cho vay quá mạnh tay, và cũng không thể nào thúc đẩy các DN phải mạnh tay vay vốn.

Vì các NH và DN đều phải cân đối nguồn vốn và việc sử dụng vốn. Nếu nền kinh tế chưa tăng trưởng mạnh, chưa hồi phục nhanh, cũng phải chấp nhận tình trạng tăng trưởng âm cho đến khi nền kinh tế sẵn sàng đón nhận số vốn từ các NH, thay vì thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.

Gần đây, nhiều báo cáo chỉ ra, DN không còn tiền để sản xuất nhưng cũng không còn tài sản để thế chấp. Hiện chỉ còn giải pháp tháo gỡ, đó là cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, muốn cho vay tín chấp, một DN chỉ có thể có một tài khoản với một NH. Khi DN bán hàng, người mua trả tiền qua tài khoản đó, NH kiểm soát được dòng tiền và cảm thấy chắc chắn sẽ thu lại được số tiền cho vay. Ở Việt Nam hiện tại, các khách hàng có nhiều tài khoản ở nhiều NH, nên không kiểm soát được dòng tiền, NH không thể nào cho vay tín chấp.

Vì vậy, vấn đề cho vay lúc này vẫn phải theo nhu cầu thị trường, lĩnh vực nào, kênh đầu tư nào tăng trưởng trở lại, dòng tín dụng sẽ tự động tìm đến đó. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ định hướng tín dụng, đi vào những ngành nghề tạo ra động lực tăng trưởng, từ đó có cơ chế để tập trung hỗ trợ mạnh các lĩnh vực này. Tại Việt Nam, xuất nhập khẩu là một trong những trụ cột, nhưng cũng không thể cho vay ồ ạt, vì dòng tiền cũng phải đi theo lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu.

Cho vay tiêu dùng cá nhân lúc này cần thúc đẩy, vì người dân càng tiêu dùng, các nhà sản xuất càng sản xuất ra nhiều và ngược lại. Hay có thể tính toán mở thêm những chương trình vay mua nhà ở.

Tại thời điểm này, ngoài gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, chưa thấy có một chương trình nào khác kích thích bất động sản tiêu dùng, nhưng gói duy nhất này lại giải ngân rất chậm chạp vì điều kiện khó khăn.

Các tin khác