Rủi ro địa chính trị và dòng vốn vào Việt Nam

(ĐTTCO) - Hơn 20,2 tỷ USD FDI cam kết trong 9 tháng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn giải ngân cũng đạt hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2%. Đây là con số ấn tượng đối với Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị phức tạp toàn cầu.

Rủi ro địa chính trị và dòng vốn vào Việt Nam

5 xu thế mới ảnh hưởng đến đầu tư toàn cầu

Thế giới đang chuyển sang thời kỳ mới, với những thay đổi rõ ràng trong chuỗi cung ứng, hoạt động đầu tư quốc tế cũng như các mối tương quan địa chính trị. Richard Hass, cựu cố vấn chính phủ và giám đốc lập kế hoạch chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ giai đoạn 2001-2003, vừa có bài nhìn nhận về tình hình thế giới hiện nay là “một thế giới của các trật tự bị đảo lộn”.

Cùng với một thế giới bất định về địa chính trị như vậy, những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính toàn cầu cũng tạo ra những thay đổi, phá vỡ những cấu trúc cũ và hình thành những xu thế dài hạn. Hiện có 5 xu thế mới ảnh hưởng đến thị trường đầu tư toàn cầu.

Thứ nhất, chuyển chuỗi cung ứng về nội địa và đến quốc gia thân thiện.

Thứ hai, đầu tư bị thúc đẩy bởi ưu tiên địa chính trị, thay vì bởi những yếu tố kinh tế truyền thống. Đã có đến khoảng 2.500 hạn chế và rào cản được áp đặt trong năm 2022, gấp 3 lần so với 2019.

Thứ ba, rủi ro một cú sốc nguồn cung có thể làm cho giá cả và chi phí tài chính tăng lên đáng kể. Lấy thí dụ là trường hợp cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, hạn chế cung dầu của khối Ả Rập gần đây, đã đẩy giá gạo, giá dầu lên trở lại những mức cao mới. Giá dầu đã tiến thẳng từ trên 70USD/thùng đến tiệm cận 100USD/thùng, tạo ra lo ngại về sự bùng phát trở lại của lạm phát.

Rủi ro địa chính trị và dòng vốn vào Việt Nam ảnh 1

Thứ tư, lãi suất toàn cầu có xu hướng ngày càng tăng lên. Nhiều nghiên cứu cho rằng trong thập niên tới, lãi suất sẽ khó có thể quay về giai đoạn trước Covid-19.

Thứ năm, áp lực xanh hóa, kiểm soát rủi ro khí hậu và hướng tới phát triển bền vững trong các điều kiện sản xuất và đầu tư.

Bối cảnh vĩ mô mới trong trung hạn cho Việt Nam

Đồng USD sẽ duy trì lãi suất cao trong giai đoạn dài hơn, tỷ giá sẽ trở thành vấn đề nan giải, nếu Việt Nam tiếp tục muốn sử dụng công cụ nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế. Bên cạnh đó là tình hình phân mảnh địa chính trị trong bối cảnh cạnh tranh và trừng phạt lẫn nhau, khiến các công ty quốc gia thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang chuỗi cung ứng linh hoạt, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không muốn lệ thuộc vào một quốc gia nào. Bối cảnh mới này đặt ra một số thách thức và thuận lợi cho Việt Nam.

“Rủi ro địa chính trị” và “quan tâm chuyển sản xuất về nội địa” đã trở thành từ khóa xuất hiện nhiều nhất kể từ 2020, và tăng gần 60% so với bình quân của giai đoạn 1985-2019.

Về mặt thuận lợi, sự ổn định chính trị của Việt Nam có thể đóng vai trò then chốt trong việc làm nhà đầu tư nước ngoài an tâm, rằng chúng ta có thể hướng tới giai đoạn “thân thiện kéo dài”, duy trì mối quan hệ hợp tác về đầu tư dài hạn.

Việt Nam có lợi thế vì không phải là mối đe dọa đáng kể nào về địa chính trị với bất kỳ cường quốc nào. Thuận lợi nữa, là giá rẻ không còn là ưu tiên số một, thay vào đó là mối quan tâm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, cũng trở thành yếu tố hấp dẫn cho Việt Nam.

Theo đó, “miếng bánh sản xuất” nay sẽ chia cho nhiều nước, thay vì chỉ tập trung vào công xưởng duy nhất của thế giới. Điều này làm giảm áp lực cạnh tranh bằng giá cho Việt Nam trong bối cảnh giá rẻ đang dần không còn trở thành lợi thế cạnh tranh sắc bén của Việt Nam nữa, khi một số nền kinh tế giá rẻ ở Nam Á và châu Mỹ Latin đang nổi lên.

Rủi ro địa chính trị và dòng vốn vào Việt Nam ảnh 2

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào một nước trong bối cảnh hiện tại phải đặt tầm nhìn dài hạn về ổn định chính trị. Và như vậy, những khó khăn hiện nay của nền kinh tế Việt Nam được xem là ngắn hạn và không quá đáng quan ngại với họ.

Tuy nhiên, thách thức cho Việt Nam cũng không ít. Đầu tiên, chúng ta phải đối mặt với môi trường đầu tư mà lãi suất USD sẽ duy trì ở mức cao lâu hơn, do đó tạo áp lực lên tỷ giá. Một đồng nội tệ ổn định đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo duy trì niềm tin của nhà đầu tư, đảm bảo sức mua cho người dân, góp phần ổn định kinh tế-xã hội. Nhưng nó lại đi ngược nhu cầu duy trì mặt bằng lãi suất “dễ chịu” cho doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Thách thức thứ hai, để tránh những rủi ro do tình hình địa chính trị phức tạp, cũng như tránh những thủ tục cấp phép đầu tư nghiêm ngặt, một số dòng vốn nước ngoài sẽ chọn cách đầu tư gián tiếp, mua lại một số công ty nội địa của Việt Nam, qua đó thiết lập chuỗi cung ứng mới của họ ở đây.

Vấn đề đặt ra, sau khi những dòng vốn gián tiếp này vào rồi, làm thế nào đảm bảo họ không nhập công nghệ cũ, gây ô nhiễm vào Việt Nam, biến chúng ta thành cơ sở sản xuất nước ngoài kiêm “bãi rác công nghệ” cho họ? Thách thức này đòi hỏi chúng ta phải có các giải pháp bền vững, để thu hút dòng vốn đầu tư “an toàn” và “lành mạnh”.

Các tin khác