Chủ tịch VAFIE: 'Đánh giá hiệu quả thu hút FDI, không nên nhìn con số thống kê'

(ĐTTCO) - GS.TSKH NGUYỄN MẠI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam và đây là “điểm sáng” của nền kinh tế trong năm nay.

Chủ tịch VAFIE: 'Đánh giá hiệu quả thu hút FDI, không nên nhìn con số thống kê'

Tuy vậy, trong giai đoạn mới không nên nhìn nhận vốn FDI qua các con số thống kê, bởi chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã có sự thay đổi, trong đó xem xét áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, dù tình hình thế giới năm 2023 có những biến động lớn và tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu, song dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam với số lượng lớn. Ông đánh giá thế nào về điều này?

GS.TSKH NGUYỄN MẠI: - Tôi cho rằng Việt Nam luôn là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ về vấn đề đầu tư thương mại, còn là nơi đáng sống. Vì vậy, con số 18-19 tỷ USD hay cao hơn nữa, Việt Nam vẫn có thể đạt được.

Tuy nhiên, chính sách thu hút vốn đầu tư của Việt Nam đã có sự thay đổi. Cụ thể, trong Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã thay đổi chính sách thu hút vốn FDI bằng mọi giá sang thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Trước đây, do thiếu nhiều thứ nên chúng ta cần thu hút doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào Việt Nam vừa để giúp người Việt có thêm công ăn việc làm, vừa tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nhưng hiện nay, năng lực của các DN trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được thị trường nội địa. Thậm chí, chúng ta còn có một số DN có tiếng tăm trên thị trường quốc tế. Vì vậy, Việt Nam không phải bất chấp thu hút vốn FDI như trước, thay vào đó lựa chọn dòng vốn FDI chất lượng cao.

Do đó, các con số thống kê về mặt cơ học dường như không còn quá nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, sự tăng trưởng của dòng vốn FDI vẫn cho thấy các “ông lớn” đánh giá cao môi trường đầu tư thương mại tại Việt Nam, đây là tín hiệu đáng mừng.

- Trong năm nay Việt Nam đã phải cạnh tranh mạnh mẽ với Ấn Độ và Indonesia. So với họ, Việt Nam có những ưu điểm gì để tạo ra sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài?

- Với dân số 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường tiêu dùng khổng lồ mà bất kỳ DN nào cũng muốn. Ngành công nghệ cao tại Ấn Độ cũng rất phát triển, khi họ có cả hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên gia, công nhân làm việc trong ngành này. Đây cũng là yếu tố giúp các ông lớn trong ngành công nghệ toàn cầu tìm tới Ấn Độ.

Với Indonesia, quốc gia có dân số gấp 3 lần Việt Nam, GDP cao gấp 2,5 lần, xét về quy mô nền kinh tế chúng ta vẫn kém so với họ. Đồng thời, mức tiền lương, mặt bằng giá cả tại Indonesia thấp hơn Việt Nam, điều này giúp họ có lợi thế trong nhân công giá rẻ. Đặc biệt, Indonesia đang có một số chính sách rất hay, đó là đích thân tổng thống trực tiếp quyết định, phê duyệt các dự án lớn, đã giảm nhiều thủ tục rườm rà, sách nhiễu, tham nhũng.

Tuy nhiên, xét về toàn diện những lợi thế của Việt Nam cũng không phải nhỏ. Chúng ta có hệ thống chính trị, tình hình an ninh ổn định. Dân số Việt Nam hiện khoảng 100 triệu người, không bằng Indonesia và Ấn Độ, nhưng cũng không phải là thấp. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với hầu hết siêu cường kinh tế. Do đó, khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa của các DN này được hưởng các đặc quyền xuất xứ, được miễn giảm một số loại thuế, phí khi xuất khẩu sang các đối tác thương mại.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao quyết tâm của Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, nâng cao đạo đức của cán bộ công nhân viên chức, nhằm giảm bớt các thủ tục rườm rà, sách nhiễu… Dựa trên những lợi thế như vậy, tôi khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

- Một trong những vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong năm 2023 là thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam đang xem xét xây dựng và triển khai. Việc này sẽ tác động thế nào đối với triển vọng thu hút vốn FDI trong tương lai, thưa ông?

- Thực tế, một trong những lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là việc Việt Nam đang hoàn thiện thuế tối thiểu toàn cầu theo khởi xướng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là loại thuế đánh vào các DN lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn nhưng lại đầu tư vào các nước có mức thuế suất thấp, hoặc các “thiên đường thuế” nhằm trốn thuế và có nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh.

Tất nhiên, áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đánh đúng túi tiền của DN, nên chẳng “ông lớn” nào muốn cả, song Việt Nam bắt buộc phải làm vì đây không chỉ là lợi ích quốc gia, còn có trách nhiệm quốc tế trong việc chống rửa tiền, trốn thuế.

Nếu chậm thi hành thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến chúng ta mất khoảng vài tỷ USD tiền thuế, đây là thiệt hại về mặt tài chính. Vì thế, việc xây dựng thuế tối thiểu toàn cầu thế nào để hài hòa lợi ích của Việt Nam lẫn các nhà đầu tư nước ngoài, vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam.

Tôi cho rằng, trước mắt chúng ta phải sửa đổi, điều chỉnh khá nhiều luật, thông tư, nghị định đề phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu. Tiếp đến, khi đã có hệ thống luật pháp, chúng ta phải thương lượng, đàm phán với từng DN FDI chịu thuế để tìm được tiếng nói chung. Trong quá trình đàm phán, chúng ta có thể đưa ra các chính sách, cơ chế riêng để cân bằng với khoản thuế họ phải đóng.

Nếu chúng ta làm được và hài hòa được lợi ích, chắc chắn môi trường đầu tư sẽ được cải thiện. Do đó, chúng ta không cần quá lo ngại việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm sức cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trước mắt sẽ làm giảm sự hấp dẫn về chính sách ưu đãi đầu tư. Nhưng nhìn rộng ra đó là thời cơ cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, môi trường kinh doanh ổn định, khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế.

Các tin khác